Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn Liên minh châu Âu dự kiến có hiệu lực từ 2019.
Các nước Liên minh châu Âu hôm qua (31/10) đã ủng hộ lệnh cấm đối với một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đưa khối này tiến gần hơn tới việc xóa sổ các sản phẩm nhựa dùng một lần vốn đang là vấn đề hết sức nan giải, liên quan trực tiếp tới tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đáng báo động hiện nay tại các đại dương.
Tuần trước, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự luật cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến có hiệu lực từ năm 2021. Dự luật được các nghị sỹ châu Âu phê chuẩn ngày 24/10 nhắm tới các sản phẩm có trong danh mục gốc 10 sản phẩm nhựa dùng một lần do Ủy ban châu Âu (EC) lập ra; trong đó có ống hút, tăm bông hay que gài bóng bay…Hiện chiếm hơn 70% lượng rác thải hiện diện ở đại dương, những sản phẩm này vốn có thể thay thế bằng các mặt hàng có sẵn khác.
Để được thông qua thành luật, dự luật kể trên phải được các nước thành viên phê chuẩn - quá trình dự kiến bắt đầu vào tháng 11/2018. Tuần tới, giới chức châu Âu sẽ tiếp tục bắt tay vào soạn thảo điều khoản chi tiết trong dự luật mới này nhằm thống nhất một văn kiện vào tháng 12/2018.
Hội đồng châu Âu ủng hộ việc chấm dứt việc sử dụng các sản phẩm nhựa vì các lựa chọn thay thế bền vững hơn, đồng thời muốn tiếp tục phân rõ trách nhiệm liên quan tới vấn đề xử lý chất thải. Trước thực trạng rác thải nhựa đang gây ô nhiễm nhiều con sông, bãi biển và đại dương, Ủy ban châu Âu vừa đề xuất rằng các nhà sản xuất nhựa sẽ phải chi trả chi phí xử lý chất thải. Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu sẽ xem xét những đề xuất của Ủy ban châu Âu, sau đó cũng sẽ đưa ra các đề xuất sửa đổi.
Đề cao dự luật mới, giới chức châu Âu cũng cho rằng, điều quan trọng hiện nay là bảo vệ môi trường biển và giảm chi phí thiệt hại do ô nhiễm nhựa gây ra ở châu Âu, ước tính ở mức 25 tỉ USD vào năm 2030./.