Trong phiên họp ngày 6/12, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu. Tuy nhiên, mức cắt giảm cụ thể vẫn chưa được đưa ra và các bên hy vọng sẽ đi tới quyết định cuối cùng trong cuộc họp mở rộng với các đối tác diễn ra ngày 7/12.
Phát biểu trước phóng viên, Bộ trưởng năng lượng Ả rập Xê út Khalid al-Falih cho biết, giá dầu trong phiên giao dịch ngày 6/12 đã sụt giảm sau khi phiên họp của OPEC diễn ra cùng ngày đã kết thúc mà các nước sản xuất dầu mỏ chính gồm Ả rập Xê út và Nga vẫn chưa đưa ra bảo đảm chắc chắn về việc cắt giảm sản lượng. “Chúng tôi hy vọng các bên sẽ đi tới kết luận cuối cùng khi phiên họp ngày 7/12 kết thúc” – ông al-Falih nói.
Tâm lý lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung đã kéo giá dầu thế giới đi xuống, với giá dầu thô ngọt nhẹ Texas giảm 2% xuống còn 51,56 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 6/12. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục mong muốn giá “vàng đen” được đưa về ngưỡng thấp hơn khi hối thúc các nước OPEC giữ nguyên sản lượng vào năm 2019.
Trước bối cảnh trên, ông al-Falih cho biết, tất cả mọi phương án đang được cân nhắc tới trong trường hợp OPEC không thể tiến tới một thỏa thuận. Quan chức Ả rập Xê út cho rằng, tổ chức này và các nước đối tác có thể sẽ cắt giảm sản lượng khai thác từ mức 0,5 tới 1,5 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, theo ông al-Falih thì mức cắt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày là hợp lý.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, ông Suhail Mohamed Al Mazrouei - Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) - nước Chủ tịch OPEC cho biết, nội dung trọng tâm của cuộc họp ngày 6/12 là cân nhắc tới phương án ứng phó với tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường dầu mỏ vào năm 2019, cùng với thực tế rằng nhu cầu dầu mỏ đang bị chững lại. Theo quan điểm của ông Mazrouei thì những diễn biến gần đây trên thị trường dầu mỏ và khí đốt đòi hỏi đưa ra một “sự thay đổi trong chiến lược” như đã đề ra vào tháng 6/2018. Qua đó, ông Mazrouei nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá kỹ lưỡng về khoảng cách tiềm ẩn giữa nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong năm 2019, cũng như tác động của vấn đề này tới mức sản lượng cũng như sự cân bằng thị trường mà OPEC đã rất khó khăn để đạt được từ 2 năm qua.
Đầu năm 2018, OPEC và các nước đối tác ngoài tổ chức này do Nga dẫn đầu đã quyết định tăng mức sản lượng dầu khai thác trong một nỗ lực nhằm vực dậy giá "vàng đen" và khôi phục trạng thái cân bằng thị trường. Theo số liệu do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa công bố thì hiện Mỹ, Ả rập Xê út và Nga là các nước có sản lượng dầu thô khai thác ở mức kỷ lục. Đây được xem là nguyên nhân dẫn tới tình trạng vượt quá nguồn cung và khiến giá dầu thô bị đẩy xuống mức thấp./.