Ngày 5/12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo chính phủ nước này hủy bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong dự toán ngân sách năm 2019.
Đây được xem là một bước đi nhượng bộ tiếp theo từ chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron trong bối cảnh phải đối mặt với làn sóng biểu tình lan rộng, bởi chỉ một ngày trước đó, chính quyền Paris chỉ đưa ra quyết định tạm ngừng tăng thuế nhiên liệu trong thời gian 6 tháng và sẽ thúc đẩy tiến trình thảo luận về các chính sách môi trường. Động thái này cũng được nhìn nhận là một nỗ lực của ông Macron để dập tắt phong trào biểu tình “Áo vàng” đã gây nên những cuộc bạo loạn tồi tệ nhất tại thủ đô Paris trong vòng 5 thập kỷ qua và thách thức vai trò của vị Tổng thống 40 tuổi đang lãnh đạo nước Pháp.
Phát biểu trước Hạ viện Pháp, ông Philippe tuyên bố: “Chính phủ sẵn sàng đối thoại và đang chứng minh điều này bởi kế hoạch tăng thuế đã bị hủy bỏ trong dự toán ngân sách năm 2019”.
Cũng trong ngày 5/12, Bộ trưởng Môi trường Pháp Francois de Rugy đã tuyên bố trên truyền hình rằng, ông đã điện đàm với Tổng thống Macron và chính phủ quyết định sẽ không tăng thuế nhiên liệu trong năm 2019.
Song song với việc đưa ra động thái nhượng bộ nhằm dập tắt làn sóng biểu tình “Áo vàng”, chính phủ Pháp cũng chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó với kịch bản nổ ra một cuộc bạo loạn mới vào cuối tuần này theo như lời kêu gọi của người biểu tình. Phát biểu trước các nhà làm luật Pháp, ngày 5/11, ông Philippe đã cảnh báo những người biểu tình quá khích rằng, các nhà chức trách sẽ hành động “và không nhượng bộ dù chỉ một tấc”. Trong khi đó, một số nguồn tin an ninh cho biết, chính phủ Pháp đang cân nhắc phương án triển khai lực lượng trong các đội tuần tra chống khủng bố để bảo vệ các tòa nhà công cộng.
Các cuộc biểu tình phản đối chính sách tăng thuế của chính phủ Pháp bắt đầu bùng phát từ 3 tuần trước và đã nhanh chóng leo thang thành bạo loạn. Những người biểu tình "Áo vàng" yêu cầu chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ tài chính cho phần đông dân cư đang vật lộn với cuộc sống "thắt lưng buộc bụng". Biểu tình kéo dài khiến cộng đồng doanh nghiệp Pháp lo ngại thiệt hại lên tới hàng tỷ euro. Ít nhất 263 người bị thương trong các cuộc biểu tình.
Ngoài lý do trên, nguyên nhân của việc bùng nổ các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” cũng được cho là xuất phát từ sự mệt mỏi của người dân vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Pháp. Theo số liệu do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố thì Pháp là một trong những nước có mức thuế cao nhất trong các nước phát triển, thậm chí còn vượt cả quốc gia có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất châu Âu là Đan Mạch.
Hiện nhiều người dân thuộc tầng lớp trung lưu và những người lao động chân tay tại Pháp đang quay lưng với ông Macron vì cho rằng, vị Tổng thống trẻ tuổi này đang theo đuổi những chính sách thiên vị người giàu. Điều đó đã dẫn tới tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Macron đang sụt giảm mạnh kể từ thời điểm ông lên nắm quyền vào năm 2017. Có ý kiến cho rằng, động thái nhượng bộ mới nhất có thể sẽ giúp ông Macron xoa dịu sự giận dữ của người dân trong nước. Tuy nhiên, việc từ bỏ chính sách tăng thuế nhiên liệu cũng được cảnh báo là sẽ khiến Pháp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 đề ra trong Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu./.