Khi đồng hồ chỉ 0 giờ 01 phút sáng ngày 12/01 (theo giờ Mỹ), đồng nghĩa với việc tình trạng đóng cửa một phần Chính phủ đã bước sang ngày thứ 22, lập kỷ lục dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự bất đồng sâu sắc giữa Chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát liên quan tới khoản ngân sách trị giá 5.7 tỷ đôla để xây tường biên giới với Mexico. Hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một giải pháp sẽ sớm được đưa ra, tình trạng đóng cửa chính phủ còn tiếp diễn và nhiều hệ lụy sẽ nảy sinh.
Trong nhiều tuần, Tổng thống Donald Trump và các nghị sỹ Quốc hội đã thất bại trong việc tìm cách mở cửa các cơ quan chính phủ vốn bị đóng từ ngày 22 tháng 12. Lý do là các lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội không sẵn sàng cấp thêm ngân sách cho ông Donald Trump xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Cuộc tranh chấp giữa hai bên đã làm gián đoạn mọi thứ, trong khi gần 800 nghìn công chức liên bang, từ nhân viên thu thuế cho đến các đặc vụ FBI, không nhận được tiền lương mà đúng ra phải được trả vào ngày 11 tháng 01. Một số người đăng thông báo trả lương trống trơn của họ lên mạng xã hội như lời kêu gọi chấm dứt đóng cửa chính phủ.
Ngày 11/1, Hạ viện và Thượng viện đã biểu quyết thông qua dự luật trả lại tiền lương cho công chức bất cứ khi nào chính phủ liên bang mở cửa trở lại, và rời Thủ đô Washington đi nghỉ cuối tuần.
Trong một đoạn viết trên trang Twitter cá nhân sáng 12/1, ông Donald Trump kêu gọi các nghị sỹ Dân chủ hãy quay trở lại Washington làm việc để chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ, cùng với đó hãy chấm dứt cuộc “khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp” ở biên giới phía Nam. Tổng thống Donald Trump nói rằng ông sẽ ở lại Nhà Trắng vào dịp cuối tuần này và chờ đợi các lãnh đạo đảng Dân chủ.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đã tổ chức hàng loạt cuộc họp mà được đánh giá là ngày càng không hiệu quả với Tổng thống Donald Trump. Với việc Thượng viện và Hạ viện sẽ không làm việc trở lại cho đến ngày 14 tháng 01, điều đó có nghĩa tình trạng đóng cửa chính phủ Mỹ sẽ bước sang ngày thứ 24.
Dù cả Tổng thống Donald Trump và các nghị ỹ Dân chủ dường như hài lòng với lập trường chính trị của họ trước tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài hơn, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lisa Murkowski cho rằng không có bên nào đang giành phần thắng và nhiều người dân kêu gọi bà hãy làm điều gì đó để giúp mở cửa chính phủ trở lại. Tuy nhiên, điều đó đã được chứng minh là không thể.
Bởi vì, những nghị sỹ thường đóng vai trò chính trong các cuộc đàm phán lưỡng đảng như Thượng nghị sỹ Lindsey Graham đã bị ông Donald Trump gạt ra ngoài. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnel đang bất đồng với Lãnh đạo phe thiểu số. Do vậy, trong những ngày tới, nhiều khả năng sẽ không có nhóm nghị sỹ lưỡng đảng đủ uy tín và sức mạnh nào đứng ra để giải quyết việc các cơ quan chính phủ liên bang phải đóng cửa.
Đối diện viễn cảnh chính phủ Mỹ đóng cửa lâu dài, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố ông có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, hành động phớt lờ Quốc hội để lấy tiền xây bức tường biên giới.
Nhưng một hành động hành pháp như vậy của ông Donald Trump chắc chắn sẽ bị phe Dân chủ kiện ra tòa. Do vậy, nội bộ đảng Cộng hòa cũng đang bị chia rẽ về việc có nên kiềm chế Tổng thống Donald Trump hành động hay không.
Một số người tin rằng một hành động như vậy sẽ loại bỏ quyền lực khỏi Quốc hội, nhưng những người khác thì nghĩ rằng đó là cách thích hợp để thoát khỏi tình trạng đóng cửa chính phủ.
Bản thân Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố là ông không muốn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ngay lúc này, cho dù khẳng định là mình có thẩm quyền để làm điều đó. Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định rằng ông sẽ không làm điều đó quá nhanh, bởi vì ông vẫn muốn làm việc với Quốc hội nhằm giải quyết bế tắc./.