Nợ quốc gia của Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 22.000 tỉ USD vào ngày 12-2, một dấu mốc mà các chuyên gia cảnh báo là sẽ đẩy đất nước vào con đường tài chính thiếu bền vững, có thể gây nguy hiểm tới an ninh kinh tế của mỗi người Mỹ.
Theo tờ USA Today, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nợ quốc gia đã lên tới 20.012 tỉ USD, tăng trên 30 tỉ USD chỉ trong tháng 2 này.
Nợ quốc gia Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh hơn sau khi Tổng thống Donald Trump thực hiện gói cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỉ USD hơn 1 năm trước, và cũng là kết quả những nỗ lực của quốc hội nhằm tăng chi tiêu cho các chương trình nội địa và quân sự.
“Việc đạt dấu mốc đáng buồn này quá nhanh là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng tài chính của chúng ta đang khó chống đỡ”, ông Michael A. Peterson, Giám đốc điều hành Quỹ Peter G. Peterson, một tổ chức phi đảng phái chuyên thực hiện báo cáo về những thách thức tài chính dài hạn của Mỹ nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với người dân Mỹ, nợ quốc gia tăng cao cũng là một vấn đề lo ngại, bởi theo thời gian, nó có thể đẩy cao lãi suất với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Lãi suất cao hơn có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế, tác động tới lãi suất của các khoản thế chấp, chứng khoán công ty và các loại vay tiêu dùng, doanh nghiệp.
Nợ quốc gia lớn cũng gây khó khăn hơn cho chính phủ khi muốn tăng cường chi tiêu để đối phó với đợt suy thoái tiếp theo, hoặc dành thêm tiền cho các chương trình đào tạo lại công nhân, hỗ trợ người nghèo và nhiều chương trình khác.
Ông Peterson cho rằng, những nguyên nhân lớn nhất của việc nợ quốc gia tăng cao là tình trạng dân số già, chi phí chăm sóc sức khỏe cao, các khoản thanh toán lãi suất tăng, cùng với chính sách thuế.
Con số hơn 22.000 tỉ USD nợ là “một lời nhắc nhở buồn nữa về những chính sách không thể tha thứ mà các nhà lãnh đạo của chúng ta tiếp tục theo đuổi, và sẽ để lại cho thế hệ sau”, ông Judd Gregg và Edward Rendell, đồng Chủ tịch Chiến dịch xử lý nợ, một dự án của Ủy ban phi đảng phái chuyên giám sát nợ liên bang, bình luận.