Chặng đường đàm phán khó khăn

08:42, 08/03/2019

Với số phiếu không quá cách biệt so với các kết quả thăm dò trước đó, đảng Cải cách đối lập đã giành được số phiếu ủng hộ cao nhất, vượt qua đối thủ truyền thống là đảng Trung tâm cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội E-xtô-ni-a vừa qua. Các vấn đề về thuế, chi tiêu công và giáo dục tiếng Nga cho người E-xtô-ni-a gốc Nga, sự phân chia khu vực nông thôn - thành thị là những nội dung tranh cử chính của các đảng trong kỳ bầu cử lần này.

Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia E-xtô-ni-a, khoảng 63% trong số hơn 880 nghìn cử tri đã tham gia cuộc bầu cử lần này. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ của Ủy ban Bầu cử quốc gia, đảng Cải cách theo đường lối tự do của cựu thành viên Nghị viện châu Âu C.Ca-lát đã giành được 28,8% số phiếu bầu, vượt qua đảng Trung tâm theo đường lối ôn hòa của Thủ tướng G.Ra-tát, nhận được 23% số phiếu ủng hộ. Trong khi đó, đảng Nhân dân Bảo thủ E-xtô-ni-a (EKRE) cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc, mới nổi lên trong cuộc bầu cử lần này, nhận được 17,8% số phiếu ủng hộ. Ngoài ra, đảng Dân chủ xã hội và đảng Bảo thủ Isamaa lần lượt giành được 9,8% và 11,4% số phiếu bầu.

Giống như các kết quả thăm dò trước đó, đảng Cải cách và đảng Trung tâm vẫn dẫn đầu về số phiếu ủng hộ, không quá chênh lệch so cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015. Tuy nhiên, với các cam kết giảm thuế thu nhập cũng như chống làn sóng nhập cư, đảng EKRE đã giành được số phiếu bầu tăng gấp hai lần so cuộc bầu cử Quốc hội trước đó.

Với kết quả không có đảng nào giành được đa số, giới phân tích nhận định, việc thành lập liên minh cầm quyền với nhiệm kỳ kéo dài bốn năm tại E-xtô-ni-a sẽ gặp không ít trở ngại. Một trong những kịch bản được các chuyên gia đưa ra là đảng Dân chủ xã hội và đảng Bảo thủ Isamaa sẽ liên kết với đảng Cải cách nhằm giành thế đa số với 56/101 ghế tại Quốc hội E-xtô-ni-a. Ðây là trường hợp nhiều khả năng sẽ diễn ra bởi trước đó đảng Dân chủ xã hội và đảng Cải cách đã nằm trong liên minh lãnh đạo E-xtô-ni-a từ năm 2015 đến 2017.

Kịch bản thứ hai là với tổng số ghế 60 có được, đảng Cải cách và đảng Trung tâm sẽ cùng lãnh đạo đất nước như đã từng xảy ra trước đây. Trong chiều dài lịch sử gần 30 năm sau khi tuyên bố độc lập, đảng Trung tâm và đảng Cải cách đã thay nhau nắm quyền lãnh đạo tại E-xtô-ni-a. Việc số lượng cử tri ủng hộ đảng EKRE tăng mạnh có thể dẫn đến việc liên minh giữa hai đảng đối lập là Trung tâm và Cải cách, vốn không cầm quyền cùng nhau kể từ năm 2003. Ðiểm chung của hai đảng này là ủng hộ tư cách thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) của E-xtô-ni-a. Bên cạnh đó, hai đảng này cũng ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng để hạn chế chi tiêu công, giữ tỷ lệ nợ công của E-xtô-ni-a ở mức thấp nhất trong Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone).

Phát biểu với báo giới sau khi kết quả nêu trên được công bố, lãnh đạo đảng Cải cách C.Ca-lát nhắc đến những khác biệt cơ bản giữa đảng Cải cách và đảng Trung tâm về thuế, quyền công dân và giáo dục. Dù vậy, bà vẫn để ngỏ mọi lựa chọn liên minh với các đảng khác ngoại trừ EKRE. Trong khi đó, lãnh đạo đảng EKRE M.Hen-me đưa ra ý tưởng về một liên minh giữa các đảng Trung tâm, EKRE và Isamaa để cùng kiểm soát 57 ghế tại Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều đảng chính trị đã thể hiện quan điểm không liên kết với đảng EKRE theo chủ nghĩa dân tộc và hoài nghi châu Âu, đi ngược lại chủ trương của hai đảng với số phiếu dẫn đầu là Cải cách và Trung tâm.

Các chuyên gia dự báo, Tổng thống E-xtô-ni-a C.Ca-du-lét sẽ đề cử ứng cử viên thủ tướng trong những ngày tới để đứng ra đàm phán thành lập liên minh cầm quyền. Kết quả bầu cử nêu trên đã đưa lãnh đạo đảng Cải cách C.Ca-lát vào vị trí tiềm năng để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước vùng Ban-tích này. Nếu trúng cử, bà C.Ca-lát sẽ phải đối mặt các cuộc đàm phán thành lập liên minh đầy khó khăn sắp tới. Như bà C.Ca-lát đã khẳng định, nhiệm vụ của các đảng tại E-xtô-ni-a lúc này chính là thành lập một liên minh cầm quyền vững chắc và điều hành đất nước bằng những quan điểm chung xuyên suốt.