Ngày 27/3, trong một nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc về Brexit, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu về 8 đề xuất mới liên quan tới tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên không đề xuất nào trong số này giành được đa số phiếu ủng hộ để được thông qua.
Theo thời hạn chót ban đầu, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị trì hoãn sau khi Quốc hội Anh hai lần bác bỏ bản dự thảo thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May và các nhà lãnh đạo EU đã thông qua. Phía EU tuyên bố Anh sẽ được gia hạn tới ngày 12/4 để có thể thông báo cho các thành viên khác trong liên minh về những kế hoạch tiếp theo trong trường hợp bản dự thảo thỏa thuận Brexit không được thông qua.
Ngày 27/3, các nghị sỹ Anh đã tiến hành thảo luận và bỏ phiếu về các phương án thay thế kế hoạch của bà May trong một nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình Brexit. Tờ “Người bảo vệ” của Anh cho biết, các nghị sỹ Anh đã đưa ra 15 ý tưởng thay thế cho phương án Brexit của bà May và Chủ tịch Hạ viện John Bercow đã lựa chọn ra 8 trong số này để tiến hành bỏ phiếu, trong đó có Brexit không thỏa thuận, thành lập Liên minh thuế quan với EU, lập thị trường chung phiên bản 2.0 với sắp đặt khác thay thế cho điều khoản chốt chặn Ireland, tìm kiếm sự nhất trí với EU về những sắp xếp thương mại ưu đãi trong trường hợp Anh không thể thực hiện thỏa thuận rút khỏi EU...
Tuy nhiên, trong số 8 sự lựa chọn được đưa ra thì không có phương án nào giành được số phiếu ủng hộ áp đảo để được thông qua, gồm cả hai phương án được ủng hộ nhiều nhất là tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit (268 phiếu thuận và 295 phiếu chống) và giữ Anh tiếp tục ở lại Liên minh hải quan EU (264 phiếu thuận và 272 phiếu chống).
Trong bối cảnh trên, một số nghị sỹ Anh đang đề xuất phương án thu hẹp sự lựa chọn trong vòng bỏ phiếu tiếp theo dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Kết quả của các cuộc bỏ phiếu này được xem là không mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Về phía Thủ tướng May đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ các vòng đối thoại mang tính xây dựng về Brexit song sẽ không bị phụ thuộc vào các kết quả này.
Phát biểu trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 27/3, Thủ tướng May cho biết bà sẽ từ nhiệm sớm hơn suy nghĩ trước đây nếu như đảng Bảo thủ ủng hộ dự thảo thỏa thuận của bà để có thể “hoàn tất sứ mệnh lịch sử” về Brexit. Tuyên bố này của bà May được cho là đã củng cố thêm khả năng Anh sẽ sớm tiến hành bỏ phiếu lần thứ 3 về dự thảo thỏa thuận Brexit trong thời gian tới.
Thủ tướng May thừa nhận đây chính là “thời khắc thử thách” đối với nước Anh và đảng Bảo thủ, khi mà người dân Anh đang thể hiện mong muốn về một “cách tiếp cận mới” cũng như một “vai trò lãnh đạo mới”. Tuy nhiên, bà May vẫn tiếp tục giữ vững lập trường cho rằng, nước Anh cần đạt được một thỏa thuận và triển khai tiến trình Brexit.
Nghị sĩ Oliver Letwin của đảng Bảo thủ cho rằng kết quả bỏ phiếu ngày 27/3 là “đáng thất vọng” song vẫn hy vọng rằng một cuộc bỏ phiếu mới sẽ được tổ chức vào ngày 1/4. Trong khi đó, Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay lại cho rằng kết quả trên đã củng cố lập trường của chính phủ rằng bản dự thảo thỏa thuận Brexit do Thủ tướng May đưa ra là “con đường tốt nhất và duy nhất phía trước”. Cũng theo quan điểm của ông Barclay thì việc không có phương án nào trong 8 sự lựa chọn thay thế được thông qua đã cho thấy một thực tế rằng, không hề tồn tại một phương án dễ dàng và cũng không có 1 con đường dễ dàng để tiến về phía trước./.