Ngày 27/3, hãng thông tấn Pháp AFP dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết: Syria đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập họp khẩn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.
Theo nguồn tin trên thì thể theo yêu cầu của Syria, Pháp – nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 3/2019 sẽ sớm ấn định thời điểm diễn ra phiên họp.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát thì ngay cả khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành họp khẩn, cơ quan quyền lực này cũng không thể thông qua một bản nghị quyết nào nhằm bác bỏ hành động trên của Washington bởi sẽ vấp phải nguy cơ bị một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ phủ quyết.
Ngày 25/3, Tổng thống D.Trump đã có động thái đảo ngược lại chính sách mà Mỹ đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua, chính thức công nhận Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Israel. Đáng chú ý, hành động này của ông D.Trump được thực hiện tiếp sau một quyết định gây nhiều tranh cãi khác mà người đứng đầu Nhà Trắng đã đưa ra vào năm ngoái khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và rời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv (Israel) tới thành phố này.
Theo sự lý giải của Quyền Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Jonathan Cohen thì Washington buộc phải công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan nhằm “tạo đối trọng” với tầm ảnh hưởng từ một số nước trong khu vực như Iran và Syria. “Việc để Cao nguyên Golan bị kiểm soát bởi các nước như Syria và Iran sẽ chẳng khác nào hành vi nhắm mắt làm ngơ trước chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và những mưu đồ gây bất ổn của Iran trong khu vực” – ông Cohen nói. Cũng theo quan chức ngoại giao này thì sẽ không thể có một thỏa thuận hòa bình trong khu vực nếu như điều này không thỏa mãn những nhu cầu về an ninh của Israel tại Cao nguyên Golan.
Tuy nhiên, bất chấp những lập luận trên của Mỹ, cho tới nay, việc ông D.Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan – một vùng lãnh thổ đang tranh chấp mà Israel chiếm đóng từ người Syria trong cuộc chiến Trung Đông trong năm 1967 và sáp nhập 1981 vẫn tiếp tục vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ nhiều nước trên thế giới.
Ngày 26/3, 5 nước đồng minh của Mỹ trong Liên minh châu Âu (EU) gồm: Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Ba Lan đã ra tuyên bố chung nhằm phản đối lập trường của Mỹ trong vấn đề Cao nguyên Golan. Các đại diện ngoại giao của 5 nước này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định, các hành vi đơn phương thay đổi đường biên giới đi ngược lại với trật tự thế giới và Hiến chương Liên hợp quốc. “Luật pháp quốc tế cấm việc sử dụng vũ lực để thực hiện hành vi sáp nhập một vùng lãnh thổ… Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những hậu quả sau quyết định công nhận hành vi sáp nhập lãnh thổ bất hợp pháp cũng như những hệ lụy của nó đối với khu vực” – tuyên bố chung của các đại diện ngoại giao trên nêu rõ.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh quan điểm cho rằng, lập trường của cơ quan này đối với quy chế của Cao nguyên Golan vẫn không thay đổi. Quy chế này đã được thiết lập rõ ràng trong các bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ngày 26/3, kênh tin tức Rossiya-1 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan đang tranh chấp có thể là “điều báo trước” cho một “thỏa thuận thế kỷ” của Washington trong vấn đề Israel-Palestine.
Ngày 27/3, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Ả rập Xê út đã bày tỏ sự tiếc nuối sâu sắc và chỉ trích Mỹ trước việc công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel khi xem đây là động thái hủy hoại mọi nỗ lực thiết lập nền tảng hòa bình lâu dài trong khu vực.
Truyền thông quốc tế cho biết, ngày 26/3, người dân Syria đã tỏ rõ tinh thần đoàn kết ngay cả trong tình cảnh chiến tranh loạn lạc và tham gia vào các cuộc biểu tình trên khắp lãnh thổ Syria để phản đối động thái mới nhất của Mỹ trong vấn đề Cao nguyên Golan.