Hôm nay (17/4), cử tri Indonesia bắt đầu tham gia vào cuộc bầu cử lớn nhất trên thế giới chỉ diễn ra trong một ngày, để đồng loạt chọn ra các chức danh quan trọng gồm: Tổng thống, Phó Tổng thống, các vị trí trong Quốc hội và hội đồng địa phương.
Theo số liệu thống kê, đã có khoảng 193 triệu cử tri Indonesia đăng ký thực hiện nghĩa vụ công dân tại 800.000 trạm bỏ phiếu đóng trên đất nước “vạn đảo”. Trong số các cử tri hợp lệ thì có khoảng 70 triệu người lần đầu tiên thực hiện nghĩa vụ công dân trong độ tuổi từ 16-20.
Trong khi đó, việc tổ chức cuộc bầu cử trong vòng 1 ngày tại đất nước trải dài 4.800 km với hơn 17.000 hòn đảo lớn, nhỏ và số dân lên tới hơn 260 triệu người, gồm hàng trăm cộng đồng sắc tộc và ngôn ngữ khác nhau cũng đặt ra nhiều thách thức. Các nhân viên đã phải vận chuyển hòm phiếu bằng nhiều phương tiện như: Xe gắn máy, thuyền, máy bay hay thậm chí là cả bằng voi và ngựa để có thể tiếp cận với những cộng đồng người sinh sống trên núi cao hay sâu trong rừng.
Do đặc thù địa hình trải rộng từ Tây sang Đông, Indonesia được chia làm 3 múi giờ khác nhau. Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa vào lúc 7 giờ sáng theo giờ địa phương ở Papua (tức 5 giờ sáng 17/4 theo giờ Việt Nam) và dự kiến kết thúc vào lúc 1 giờ chiều tại Sumatra. Việc bỏ phiếu tại thủ đô Jakarta sẽ được bắt đầu chậm hơn 2 tiếng, vào 9 giờ sáng ngày 17/4.
Tại nơi bỏ phiếu, các cử tri sẽ thực hiện nghĩa vụ công dân bằng cách đục lỗ để lựa chọn ứng cử viên phù hợp và sau đó nhúng ngón tay vào một loại mực đặc biệt để ngăn chặn việc bỏ phiếu lần thứ 2.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Indonesia – nền dân chủ lớn thứ 3 thế giới, tổ chức bầu cử đồng thời các chức danh Tổng thống, Phó Tổng thống và các thành viên cơ quan lập pháp các cấp. Đây là cuộc bầu cử quy mô lớn và phức tạp nhất thế giới, bởi chỉ trong vòng 6 tiếng diễn ra cuộc bầu cử, các cử tri sẽ phải bầu không chỉ 2 vị trí Tổng thống và Phó Tổng thống, mà còn phải lựa chọn ra 20.538 ghế tại cơ quan lập pháp các cấp trong tổng số 250.000 ứng cử viên.
Ngoài quy mô và tầm quan trọng của cuộc bầu cử ngày 17/4, sự kiện chính trị này còn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi diễn ra “màn tái đấu” giữa đương kim Tổng thống Joko Widodo và cựu trung tướng Prabowo Subianto sau cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ trước diễn ra vào năm 2014.
Chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tháng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia đã chính thức kết thúc ngày 13/4 với cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng cử viên. Hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến trước thềm bầu cử đều cho thấy ông Widodo đang bỏ xa đối thủ Subianto với phần trăm ủng hộ 2 con số.
Dự kiến, các số liệu thống kê sơ bộ sẽ được đưa ra vào cuối ngày 17/4 để các cử tri Indonesia có thể dự báo vị Tổng thống trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, các số liệu thống kê chính thức sẽ đưa ra vào tháng 5/2019 và người chiến thắng trong cuộc đua giành ghế Tổng thống sẽ nhậm chức vào tháng 10/2019./.