Các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc ngày 10/4 lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế cùng tăng cường nỗ lực trợ giúp hàng triệu người Venezuela dễ bị tổn thương hiện đang ở trong và ngoài quê hương của họ.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Mark Lowcock khẳng định: "Có một vấn đề nhân đạo thực sự ở Venezuela". Theo ông Lowcock, "tình hình nhân đạo đã xấu đi" trong 6 tuần qua ở quốc gia này. Cắt điện ảnh hưởng đến cả đất nước, ảnh hưởng đến các hoạt động mang tính sống còn của bệnh viện. Nhiều hệ thống nước và vệ sinh đã không thể hoạt động. Hơn một triệu trẻ em đã nghỉ học. Cuộc khủng hoảng kinh tế và sức mua giảm sút của người dân khiến thực phẩm trở nên đắt đỏ và khó mua đối với nhiều gia đình.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), 7 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo ở Venezuela, tương đương với khoảng 25% dân số.
Không những thế, suy dinh dưỡng cũng đã gia tăng đáng kể ở quốc gia này, đặc biệt là trong những khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao nhất. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), 3,7 triệu người bị suy dinh dưỡng trong năm 2018, con số này tăng gần gấp 3 chỉ trong vòng 5 năm.
Trong bối cảnh đó, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Hội đồng Bảo an để duy trì các nguyên tắc nhân đạo "trung lập và vô tư" ở Venezuela, cho phép các tổ chức nhân đạo tiếp cận "bền vững và thường xuyên" với những người có nhu cầu. "Hỗ trợ liên tục là rất cần thiết. Nhưng chúng ta cần nhiều hơn thế" – ông Lowcock nhấn mạnh.
"Cuộc di cư với quy mô chưa từng có"
Cuộc khủng hoảng tác động tới Venezuela cũng đã dẫn đến một "cuộc di cư với quy mô chưa từng có trong lịch sử hiện đại của khu vực" – ông Eduardo Stein, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về người tị nạn và người di cư Venezuela khẳng định. "Hiện tại, chúng tôi ước tính rằng có 3,7 triệu người Venezuela ở bên ngoài đất nước của họ" – ông nói thêm, đồng thời cho biết 80% trong số họ đã rời đi kể từ năm 2015.
"Nếu xu hướng này tiếp tục vào năm 2019, chúng tôi ước tính rằng tổng số người Venezuela ở ngoài nước sẽ là hơn 5 triệu người vào cuối năm nay" – Đặc phái viên của Liên hợp quốc cho biết. Những người dân buộc phải di cư do tình trạng bất ổn và bạo lực; thiếu thực phẩm, thuốc men, nước và vệ sinh; mất thu nhập và không được bảo vệ tại quê hương mình.
Thêm vào đó, hiện nay, nhiều gia đình Venezuela di cư ra nước ngoài đã phải ly tán. Việc đóng cửa biên giới đã buộc đa số người dân rời khỏi Venezuela ở trong điều kiện bất thường, có nguy cơ rơi vào tay những kẻ buôn lậu, các tổ chức tội phạm liên quan đến buôn bán người và các nhóm vũ trang.
Trước tình trạng trên, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về người tị nạn và người di cư Venezuela kêu gọi Hội đồng Bảo an và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc hỗ trợ các quốc gia và cộng đồng tiếp nhận tị nạn và người di cư Venezuela, cũng như các cơ quan nhân đạo, trong bối cảnh họ đang phải đối phó với "một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có"./.