Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena tuyên bố, nước này sẽ tổ chức quốc tang trong ngày 23-4 và ba phút mặc niệm (bắt đầu từ 8 giờ 30 phút sáng cùng ngày - giờ địa phương) để tưởng nhớ 290 người thiệt mạng trong loạt vụ nổ bom tại các nhà thờ và khách sạn hạng sang trên quốc đảo này.
Ngày 23-4, giới chức Sri Lanka đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm, tuy nhiên, an ninh vẫn được siết chặt tại nước này. Trong khi đó, tại Anh, giới chức “quốc đảo sương mù” sẽ treo cờ rủ bên ngoài phố Downing và trụ sở Văn phòng Đối ngoại vào sáng 23-4 để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công ở Sri Lanka. Theo thông tin mới nhất, nhiều thành viên của ba gia đình đến từ Anh đã thiệt mạng trong thảm kịch vừa qua.
Từ New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lên án loạt vụ tấn công tại Sri Lanka “bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể”. Các thành viên của HĐBA bày tỏ sự đồng cảm và lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình của các nạn nhân và Chính phủ Sri Lanka cũng như cầu mong những người bị thương sẽ nhanh chóng phục hồi hoàn toàn. HĐBA một lần nữa khẳng định, mọi hình thức và biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố đều là một trong những mối đe dọa đáng sợ nhất đối với hòa bình và an ninh thế giới.
Theo đề nghị của giới chức Sri Lanka, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) sẽ triển khai một đội ứng phó tới quốc đảo Nam Á để hỗ trợ cuộc điều tra loạt vụ đánh bom kinh hoàng mới đây.
Trong diễn biến liên quan, hãng truyền thông Daily News của Sri Lanka dẫn lời Bộ trưởng Y tế Rajitha Senaratne thông báo, những nạn nhân mang quốc tịch nước này sẽ được nhận bồi thường. Cụ thể, Chính phủ Sri Lanka quyết định bồi thường 100 nghìn Rupee (570 USD) để lo hậu sự cho người quá cố và một triệu Rupee (5.700 USD) cho gia đình của họ. Những người bị thương trong loạt vụ nổ, tùy theo mức độ thương tích, sẽ nhận được khoản tiền từ 100 nghìn Rupee (570 USD) tới 300 nghìn Rupee (1.710 USD). Ông Senaratne cho biết thêm, các nhà thờ bị hư hại sau vụ nổ sẽ được tu bổ bằng nguồn tiền của Chính phủ Sri Lanka.
Báo Daily FT của Sri Lanka chuyên viết về lĩnh vực kinh doanh đưa tin, Quốc hội nước này sẽ được triệu tập trong ngày 23-4 để cho phép Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ra tuyên bố về loạt vụ tấn công vừa qua.
Bắt đầu từ ngày 23-4, Tổng thống Sri Lanka sẽ trao quyền hạn đặc biệt cho quân đội nước này, vượt cả quyền hạn của lực lượng cảnh sát, để phục vụ công tác điều tra loạt vụ nổ làm hàng trăm người thương vong. Theo đó, quân đội Sri Lanka có quyền hạn lớn hơn trong việc bắt giữ và cầm tù các nghi phạm, những quyền này được sử dụng trong cuộc nội chiến tại Sri Lanka nhưng đã được thu hồi khi chiến tranh kết thúc.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe bày tỏ lo ngại cuộc thảm sát có thể gây ra bất ổn và ông cam kết sẽ "trao tất cả quyền lực cần thiết cho các lực lượng quốc phòng" để buộc tội những kẻ phải chịu trách nhiệm cho tội ác của mình.
Bộ Quốc phòng Sri Lanka thông báo, Tổng thống Sri Lanka Sirisena sẽ gặp các đại sứ và cao ủy nước ngoài tại nước này để tóm tắt những diễn biến mới nhất trong nước và tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. “Các cơ quan tình báo báo cáo rằng các tổ chức quốc tế đã đứng sau hành động của những kẻ khủng bố trong nước (Sri Lanka). Do đó, Sri Lanka quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế đối với các cuộc điều tra”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng nêu rõ.
Giới chức Sri Lanka tiết lộ rằng các cơ quan tình báo từng cảnh báo từ nhiều tuần trước về nguy cơ xảy ra một vụ tấn công của chính nhóm Hồi giáo cực đoan được cho là đã tiến hành loạt đánh bom gây chấn động thế giới mới đây.