Ngày 23/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một bản dự thảo nghị quyết nhằm chống lại nạn bạo lực tình dục trong xung đột.
Bản dự thảo nghị quyết do Đức - nước hiện giữ vai trò là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đề xuất, đã được thông qua với 13 phiếu thuận và không có phiếu chống. Hai nước nắm quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng vì cho rằng bản dự thảo nghị quyết đã không phản ánh đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề chủ quyền quốc gia.
Bản nghị quyết 2467 vừa được thông qua đã nhắc lại yêu cầu của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc rằng tất cả các bên xung đột vũ trang cần “ngay lập tức chấm dứt hoàn toàn” tất cả các hành vi bạo lực tình dục, đồng thời kêu gọi các bên liên liên quan đưa ra lời cam kết và thực hiện các cam kết ràng buộc cụ thể về thời gian nhằm chống lại nạn bạo lực tình dục.
Trong bản nghị quyết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước “tiến triển còn hạn chế” trong việc giải quyết và loại bỏ tình trạng bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột đang diễn ra trên toàn thế giới. Theo đó, các hành vi bạo lực tình dục thường diễn ra mà không phải đối mặt với sự trừng phạt hay thậm chí “trong một số tình huống đã trở thành hành vi có hệ thống và phổ biến, leo thang tới mức độ tàn bạo khủng khiếp”.
Qua đó, nghị quyết kêu gọi các Ủy ban chuyên trách áp dụng các biện pháp trừng phạt có chủ đích nhằm vào hung thủ hay những kẻ chủ mưu thực hiện hành vi bạo lực tình dục trong xung đột.
Nghị quyết 2467 nhằm chống lại nạn bạo lực tình dục trong xung đột được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vào dịp kỷ niệm 10 năm cơ quan này phê chuẩn nghị quyết 1888 (năm 2009) đề cập tới việc ủy thác sứ mệnh cho Đặc phái viên về bạo lực tình dục tại khu vực xung đột.
Cơ sở cho phiên tranh luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra ngày 23/4 là bản báo cáo thường niên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về bạo lực tình dục trong xung đột được công bố ngày 29/3/2019. Báo cáo này ghi nhận một “sự thay đổi điển hình” trong nhận thức về nạn bạo lực tình dục trong xung đột và sự liên quan của vấn đề này đối với an ninh, hòa bình thế giới.
Trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu, hai chủ nhân của giải Nobel hòa bình năm 2018 là bác sỹ người Congo – ông Denis Mukwege và cô Nadia Murad - một nhà hoạt động nhân quyền người Yazidi, thuộc cộng đồng sắc tộc tôn giáo người Kurd, đến từ tỉnh Sinjar, miền Bắc Iraq đã có bài phát biểu trước Liên hợp quốc.
Bác sỹ Denis Mukwege, được biết đến là người đã dành cả sự nghiệp để bảo vệ và cứu giúp những nạn nhân bị bạo lực tình dục cho rằng, bạo lực tình dục là một tội ác chống lại loài người và việc hàn gắn vết thương cho những nạn nhân bị bạo lực tình dục chỉ có thể trở nên trọn vẹn nếu như công lý được thực thi.
Trong khi đó, cô Nadia Murad – người đã từng bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt giữ làm nô lệ tình dục cũng bày tỏ rằng, sự kết nối xã hội với cộng đồng người Yazidi của cô đã bị cắt đứt và cô kêu gọi sự trợ giúp từ phía cộng đồng thế giới để có thể hàn gắn lại mối quan hệ này./.