Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ: "Sứ mệnh" nhiều thách thức

12:08, 13/04/2019

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump vừa nhất trí quan điểm ủng hộ duy trì đà đối thoại nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang bị đình trệ. Đây là nội dung quan trọng trong cuộc gặp tại Washington giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc nhân chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Moon Jae-in kéo dài trong hai ngày (10 và 11-4).

 
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Moon Jae-in tại Nhà Trắng ngày 11-4.

Trong cuộc gặp tại thủ đô Washington ngày 11-4 (theo giờ địa phương), ông Moon Jae-in bày tỏ hy vọng sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thứ tư giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội là một phần trong quá trình đạt được một thỏa thuận lớn hơn. Tổng thống D.Trump nhấn mạnh, ông muốn đạt được một thỏa thuận lớn hơn với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Mặc dù tuyên bố vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên nhưng nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn sẽ có các cuộc đối thoại với ông Kim Jong-un.

Đây là lần thứ 7 hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Hàn Quốc tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh kể từ sau thời điểm Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền vào tháng 5-2017. Với tư cách là một nhà trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Moon Jae-in lần này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ đổ vỡ. Với cảnh báo của Triều Tiên có thể từ bỏ, không tham gia đàm phán hạt nhân, nên nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổng thống Hàn Quốc đến Mỹ đó là bảo đảm các cuộc đối thoại Mỹ - Triều sẽ được tiếp tục. 

Trước chuyến đi Mỹ lần này, ông chủ Nhà Xanh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khi hàng loạt các quan chức cấp cao Mỹ và Hàn Quốc đã có cuộc gặp để bàn về các vấn đề liên quan tới Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc hiện có những quan điểm khác nhau trong cách tiếp cận để Triều Tiên bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa. Quan điểm của Seoul là giảm nhẹ các trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên, để thúc đẩy các quan hệ kinh tế liên Triều, nhằm đổi lại một số nhân nhượng của Bình Nhưỡng về hạt nhân. 

Cho đến nay, quan điểm của Hàn Quốc không được Washington ủng hộ. Mỹ vẫn khẳng định, lệnh trừng phạt Triều Tiên sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Các quan chức Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố, “sự nhượng bộ” có thể làm suy yếu vị thế của xứ Cờ hoa trong các cuộc đàm phán. Do đó, chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc cũng là cơ hội để tìm kiếm sự phối hợp chặt chẽ hơn trong mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn giữa những đồn đoán về sự chia rẽ sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2.

Giới phân tích nhận định, dù các đề xuất mà Tổng thống Hàn Quốc đưa ra chưa nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ phía Mỹ, song một số vấn đề được hai bên nhất trí tại hội nghị vẫn được xem là động lực để Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục sứ mệnh làm người “bắc cây cầu” cho quan hệ Mỹ và Triều Tiên. 

“Dấu ấn” của Tổng thống Moon Jae-in trong bước đột phá giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là không thể phủ nhận. Hàn Quốc vẫn luôn nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều thông qua thúc đẩy các dự án chung giữa hai nước và Tổng thống Moon Jae-in coi đây là tiền đề thúc đẩy tiến trình hòa bình. Thế nên, trước nguy cơ đàm phán hạt nhân đi lệch hướng, sứ mệnh thuyết khách đến Mỹ lần này của Tổng thống Moon Jae-in không chỉ có ý nghĩa “phá băng” mối quan hệ Mỹ - Triều, mà còn có ý nghĩa chính trị đối với các chính sách trong nước mà ông đã theo đuổi suốt thời gian qua.