Kết quả bầu cử nghị viện các nước châu Âu được công bố vào đêm 26/5 cho thấy, hầu hết các đảng cầm quyền đều dành thắng lợi, và tỉ lệ cử tri đi bầu cũng cao hơn nhiều, thậm chí là đột biến, so với kỳ bầu cử lần trước.
Tại Áo, Đảng Nhân dân Áo (OVP) của đương kim Thủ tướng Sebastian Kurz đã dành thắng lợi vang dội khi nhận được sự ủng hộ của 35,4% số cử tri đi bầu cử, nhiều hơn 8,4% so với cuộc bầu cử trước, và nhiều hơn 12% điểm so với đối thủ về thứ hai là Đảng Dân chủ xã hội (SPO). Vụ bê bối dính líu tới tham nhũng của cựu lãnh đạo Đảng Tự do Áo (FPO) đã làm đảng này mất một số cử tri trung thành, chỉ dành được 17,3% sự ủng hộ của cử tri, về vị trí thứ ba.
Thắng lợi của Đảng Nhân dân Áo được coi là lợi thế, giúp Thủ tướng Sebastian Kurz có thêm niềm tin để bảo vệ chiếc ghế của mình trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông tại Hạ viện dự kiến diễn ra ngày 27/5. Cũng theo Ủy ban bầu cử quốc gia, tỉ lệ cử tri đi bầu cuộc bầu cử lần này tăng đột biến, đạt 58,8%.
Tại Cộng hòa Séc, tổng cộng 7 đảng vượt ngưỡng cử tri ủng hộ 5% để có ghế tại Nghị viện châu Âu, trong đó Phong trào ANO của Thủ tướng Andrej Babis dành chiến thắng với 21,2%, theo sau là Đảng Dân chủ công dân (ODS - 14,5%) và Đảng Pirates (13,9%). Đáng chú ý Đảng Tự do và Dân chủ trực tiếp (SPD) theo đường lối cực hữu lần đầu tiên trúng cử vào nghị viện và dành hẳn được hai ghế, trong khi Đảng Dân chủ xã hội (CSSD) lần đầu tiên không có đại diện trúng cử sau nhiều kỳ bầu cử.
Ủy ban bầu cử quốc gia cũng công bố tỉ lệ cử tri đi bầu bất ngờ tăng tới 28,7%, cao nhất từ trước tới nay. Cách đây 5 năm, tỉ lệ này chỉ là 18%, thấp thứ hai trong Liên minh châu Âu.
Cũng không nằm ngoại lệ, tại nước láng giềng Ba Lan, Đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền (PiS) về vị trí đầu tiên với 42,4% số cử tri ủng hộ, và bám đuổi sít sao là Liên minh châu Âu gồm các đảng đối lập với 39,1%. Với kết quả này, Đảng cầm quyền sẽ có 24 ghế tại Nghị viện, nhiều hơn 5 ghế so với cuộc bầu cử cách đây 5 năm.
Chúc mừng chiến thắng nhưng Chủ tịch Đảng pháp luật và Công lý Jarosław Kaczyński không quên cảnh báo rằng phép thử thực sự đối với đảng của ông sẽ là cuộc bầu cử Hạ viện Ba Lan diễn ra vào cuối năm nay. Còn ông Grzegorz Schetyna, Chủ tịch Đảng Diễn đàn Công dân (PO), đảng lớn nhất trong Liên minh châu Âu đối lập, nhận định Liên minh đang bám đuổi rất gần đối thủ và tin tưởng vào thắng lợi tại cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới.
Còn tại Hungary, Đảng Fidesz cầm quyền của thủ tướng Viktor Orban cũng dành thắng lợi vang dội với 52,2% số cử tri ủng hộ, nhiều hơn gấp ba lần đối thủ về vị trí thứ hai là Liên minh dân chủ, và gấp 5 lần đối thủ về vị trí thứ ba là Phong trào Momentum dân chủ. Tổng cộng có 5 đảng, liên minh vượt ngưỡng 5% để có đại diện tại nghị viện. Tỉ lệ cử tri đi bầu khá cao so với một số nước láng giềng, đạt 43,2%.
Cuộc bầu cử tại Slovakia lại cho kết quả khá bất ngờ khi Liên minh Slovakia Tiến bộ và Cùng nhau có tư tưởng ủng hộ châu Âu đánh bại Đảng Dân chủ xã hội cầm quyền (Smer) để về vị trí thứ nhất với 20,1% số cử tri ủng hộ. Đây là Liên minh đã hậu thuẫn cho bà Zuzana Čaputová dành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 3 vừa qua.
Sau vụ bê bối nhà báo điều tra bị giết hại đầu năm ngoái dẫn tới sự ra đi của Thủ tướng lúc đó là Robert Fico, uy tín của Đảng Dân chủ xã hội sụt giảm đáng kể. Tại cuộc bầu cử này, đảng của đương kim Thủ tướng Peter Pellegrini chỉ dành được 15,7%, khá thấp so với kỳ vọng. Đáng chú ý, về vị trí thứ ba - Đảng Nhân dân – Slovakia của chúng tôi (LSNS) theo tư tưởng cực hữu lần đầu tiên có đại diện trong nghị viện, dành được 12%, tương đương 2 ghế.
Cũng khá bất ngờ khi tỉ lệ cử tri đi bầu khá cao, đạt 22,5%, nhiều gần gấp đôi so với kỳ bầu cử lần trước./.