Sở hữu trữ lượng dầu mỏ khổng lồ cùng những tài nguyên thiên nhiên có giá trị khác, song Nam Sudan chưa thể phát huy các tiềm lực kinh tế, do đối mặt nhiều thách thức từ cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài. Sau những nỗ lực ổn định tình hình, quốc gia Ðông Phi tiếp tục hướng đến mục tiêu đưa đất nước từng bước đi lên, nổi bật là thúc đẩy chính sách hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Thành lập năm 2011, Nam Sudan trở thành quốc gia non trẻ nhất thế giới và là thành viên thứ 193 của Liên hợp quốc (LHQ). Năm 2013, nội chiến nổ ra tại Nam Sudan liên quan các âm mưu lật đổ chính quyền. Các cuộc giao tranh khiến khoảng 400 nghìn người chết và hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Nạn đói gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất thế giới ở Nam Sudan.
Bên cạnh nỗi kinh hoàng về chiến tranh, bạo lực sắc tộc và đói nghèo, nỗi lo không được tiếp cận các dịch vụ y tế bủa vây hàng triệu người dân Nam Sudan. Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), những bệnh không quá phức tạp như sốt rét, tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp lại trở thành những hiểm họa khó lường đối với các vùng quê hẻo lánh ở Nam Sudan.
Tháng 9-2018, sau một thời gian dài đàm phán, các phe phái chính trị ở Nam Sudan ký thỏa thuận, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm tại quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới này. Thỏa thuận đã mở ra một chương mới cho tiến trình hòa bình và ổn định lâu dài của quốc gia châu Phi, hướng tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Nhằm tránh việc thỏa thuận hòa bình bị “đổ vỡ”, do trong quá trình thực thi gặp không ít khó khăn, khi phe đối lập cảnh báo khả năng rút khỏi thỏa thuận, mới đây, các bên liên quan xung đột tại Nam Sudan đồng ý kéo dài thêm sáu tháng để thực thi các bước tiếp theo của thỏa thuận.
Bên cạnh những nỗ lực nhằm ổn định tình hình trong nước, chính quyền Juba còn thúc đẩy các chính sách hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Sau khi gia nhập Cộng đồng Ðông Phi (EAC) năm 2016, Nam Sudan công bố ý định gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhằm củng cố nền kinh tế sau khi cuộc nội chiến kết thúc. Theo Thứ trưởng Công thương và các vấn đề Ðông Phi V.Atian, việc gia nhập WTO sẽ giúp Nam Sudan bảo đảm sự ổn định trong các lĩnh vực xã hội và kinh tế, góp phần tăng cường an ninh trong nước. Ông Atian cũng cho rằng, một trong những giải pháp cho Nam Sudan là “cởi mở” với các quốc gia, duy trì liên kết với thế giới.
Nhằm hiện thực hóa các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, Nam Sudan thời gian qua đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường cao tốc nối thủ đô Juba với các vùng quê hẻo lánh, nhằm kết nối cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu cho nền kinh tế đang phát triển, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại. Theo mic-cust.com, Nam Sudan hiện là nền kinh tế xuất khẩu đứng thứ 141 trên thế giới, với các sản phẩm như dầu thô, sắt phế liệu, phụ tùng máy bay, gỗ... Các đối tác xuất khẩu lớn của Nam Sudan là Trung Quốc, Ấn Ðộ, Uganda, Ukraine và Jordan. Trong vòng 5 năm tính đến 2017, giá trị xuất khẩu của Nam Sudan tăng 16,2% mỗi năm, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 33,9%.
Với tham vọng gia nhập WTO, Nam Sudan nỗ lực thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm khác, trong đó có cà-phê. Quốc gia châu Phi này mới chỉ xuất khẩu cà-phê lần đầu năm 2015, nhưng các dự báo cho hay, cà-phê có thể trở thành nguồn xuất khẩu lớn thứ hai của Nam Sudan, sau dầu mỏ.