Đảng Bảo thủ Anh sẽ quyết định người kế nhiệm Thủ tướng Theresa May vào cuối tháng 7 tới thông qua “cuộc đua” giúp tìm ra nhà lãnh đạo mới có thể thực hiện đến cùng một “cuộc ly hôn” dứt khoát hơn giữa Anh và Liên hiệp châu Âu (EU).
Sau khi không thể đưa nước Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, theo đúng kế hoạch đề ra cũng như không thuyết phục được Quốc hội nước này ủng hộ thỏa thuận Brexit, ngày 7-6 vừa qua, bà May đã chính thức từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh. Trong bài phát biểu từ chức, bà May thông báo, bà sẽ tiếp tục phụng sự với tư cách Thủ tướng cho đến khi cuộc tìm kiếm nhà lãnh đạo mới kết thúc. Bà cũng vẫn là quyền lãnh đạo của đảng Bảo thủ trong thời gian này.
Hiện có 11 ứng viên đang cạnh tranh để kế nhiệm bà May. Trong video vận động bầu cử, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson (54 tuổi) cho rằng, Anh sẽ rời EU vào ngày 31-10 dù có hay không có thỏa thuận Brexit. Ứng cử viên sáng giá này cho rằng, tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai là “ý tưởng rất tồi” và gây chia rẽ. Ông cũng tuyên bố sẽ giữ lại khoản tiền gần 50 tỷ USD cho đến khi EU đưa ra các điều khoản Brexit dễ chịu hơn đối với Anh.
Ngoại trưởng Jeremy Hunt (52 tuổi), người bày tỏ ủng hộ Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, cho biết, ông muốn Anh rời EU cùng với một thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Hunt tin rằng, Brexit không thỏa thuận vẫn tốt hơn việc Brexit không diễn ra nữa. Ngoại trưởng Anh cũng không hoàn toàn loại bỏ khả năng Brexit không thỏa thuận, ông có thể sẽ xem đây là phương án cuối cùng trong tiến trình đưa Anh rời EU. Tuy nhiên, theo ông Hunt, phương án này có thể sẽ buộc Anh phải tổ chức bầu cử, mà trong đó đảng Bảo thủ có nguy cơ không nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri.
Ủy ban 1922 (ủy ban gồm các nghị sĩ đảng Bảo thủ không giữ trọng trách trong Chính phủ Anh) sẽ giám sát quy trình tìm kiếm lãnh đạo mới của đảng này. Theo đó, các ứng cử viên phải nhận được sự ủng hộ của tám nghị sĩ đảng Bảo thủ. Danh sách đề cử sẽ được tiếp nhận từ lúc 9 đến 16 giờ (GMT) ngày 10-6. Sau đó, từ ngày 13-6, các nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ tiến hành một số vòng bỏ phiếu để chọn ứng cử viên. Mỗi cuộc bỏ phiếu đều là bỏ phiếu kín và các nghị sĩ được phép ủy quyền nếu không thể trực tiếp bỏ phiếu.
Vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ diễn ra từ 9 đến 11 giờ ngày 13-6, kết quả dự kiến được công bố vào khoảng 12 giờ. Các ứng cử viên có từ 16 phiếu trở xuống sẽ bị loại. Nếu tất cả các ứng cử viên đều giành được nhiều hơn 16 phiếu bầu, thì người có số phiếu bầu thấp nhất sẽ không được tiếp tục vào vòng trong.
Vòng bỏ phiếu thứ hai được tổ chức từ 14 đến 16 giờ ngày 18-6, dự kiến kết quả sẽ được công bố vào khoảng 17 giờ. Những ứng cử viên nhận được từ 32 phiếu trở xuống sẽ bị loại. Nếu tất cả các ứng cử viên đều nhận được hơn 32 phiếu bầu thì người có số phiếu bầu thấp nhất sẽ dừng lại “cuộc đua”.
Các cuộc bỏ phiếu tiếp theo dự kiến diễn ra từ 14 đến 16 giờ ngày 19-6 và từ 9 đến 11 giờ ngày 20-6. Các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu cho đến khi chỉ còn hai ứng cử viên. Ủy ban 1922 sẽ tổ chức hai vòng vận động bầu cử cho các ứng cử viên tại Quốc hội Anh. Vòng đầu tiên sẽ diễn ra vào khoảng ngày 11 và 12-6, trước khi vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra, và vòng vận động bỏ phiếu thứ hai vào ngày 17-6. Sau đó, khoảng 160 nghìn thành viên của đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu qua bưu điện để lựa chọn một trong hai ứng cử viên còn lại.