Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới khi xung đột thương mại leo thang và các nền kinh tế lớn giảm tốc mạnh.
Báo cáo công bố ngày 4/6 đưa ra nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1 và cũng thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 3% của năm ngoái.
Ở Đông Á và Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ đạt 5,9%, lần đầu tiên xuống dưới mức 6% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hơn 20 năm trước. Dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn ở mức 6,2% trong năm nay.
Triển vọng tăng trưởng của Mỹ không thay đổi, vẫn là 2,5%, nhưng xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu và châu Á sẽ chậm lại rất rõ rệt.
Trong khi đó, tình hình kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro xấu đi nhanh chóng, với mức dự báo tăng trưởng được điều chỉnh giảm từ 1,6% xuống 1,2%, khi xuất khẩu tới Trung Quốc, Trung Á và các thị trường khác giảm.
Với Nhật Bản, WB hạ dự báo 0,1 điểm phần trăm, xuống 0,8% khi nền kinh tế nước này vẫn yếu, đặc biệt là về thương mại.
Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu là nguy cơ gia tăng những va chạm về thương mại giữa các nền kinh tế lớn, mà mới đây nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế trừng phạt lên hàng hóa của Mexico do bất đồng về chính sách nhập cư. Thương mại của toàn cầu trong năm nay được cho là chỉ tăng trưởng 2,6%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1.
Nhà kinh tế của WB, ông Ayhan Kose, cho rằng sự leo thang căng thẳng thương mại là rủi ro số một đối với triển vọng tăng trưởng của toàn cầu và kêu gọi tìm kiếm các giải pháp để ổn định tăng trưởng.
Trong khi đó, các số liệu công bố ngày 4/6 cho thấy lạm phát Khu vực Eurozone đã giảm mạnh xuống mức 1,2% trong tháng Năm vừa qua, làm dấy lên lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Trước đó, các nhà phân tích được công ty dữ liệu Factset thăm dò ý kiến, dự báo mức lạm phát sẽ giảm nhẹ xuống còn 1,4% so với mức 1,7% được ghi nhận hồi tháng trước đó. Sự sụt giảm giá tiêu dùng được công bố sau khi dữ liệu thống kê cho thấy sản lượng công nghiệp của Eurozone trong tháng Năm vừa qua giảm xuống gần mức thấp nhất trong 6 năm qua. Điều này làm gia tăng lo ngại rằng bất ổn thương mại quốc tế sẽ ngày càng gia tăng do chính sách thương mại mà chính quyền Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc và nhiều đối tác khác.
Theo một phân tích mới đây của ngân hàng Morgan Stanley, nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong chưa đầy một năm tới.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley, ông Chetan Ahya cho rằng, ở thời điểm này, hệ quả của căng thẳng thương mại "là điều rất khó đoán định", nhưng cảnh báo rằng nếu Mỹ thực hiện lời đe dọa áp thuế quan 25% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì "kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sau 3 quý".
Morgan Stanley nhấn mạnh rằng giới đầu tư chưa đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng của việc các công ty cắt giảm đầu tư cơ bản, một vấn đề gây suy giảm nhu cầu toàn cầu.
Chuyên gia Ahya cho rằng các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng sẽ tung ra biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, nhưng các chính sách luôn có độ trễ về hiệu ứng đối với hoạt động kinh tế thực, nên "một đợt suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu dường như là điều tất yếu".
Giá dầu châu Á tiếp đà giảm
Trong phiên giao dịch chiều ngày 4/6, giá dầu châu Á tiếp tục đà đi xuống do thị trường lo ngại kinh tế thế giới tăng trưởng chậm sẽ làm giảm nhu cầu đối với năng lượng, mặc dù Saudi Arabia cho biết có sự đồng thuận với các nhà sản xuất dầu mỏ khác nhằm duy trì cắt giảm nguồn cung “vàng đen”.
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 13h48' (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2019 được giao dịch ở mức 60,97 USD/thùng, giảm 31 xu Mỹ (hay 0,5%) so với phiên trước đó. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 20 xu Mỹ (hay 0,4%) xuống 53,05 USD/thùng.
Giá dầu kỳ hạn đã giảm khoảng 20% so với mức đỉnh của năm 2019 đạt được vào cuối tháng Tư, trong khi sang tháng Năm giá dầu lại trải qua tháng giảm nhiều nhất kể từ tháng 11/2018. Trong khi giá các loại năng lượng khác, như than đá và khí đốt, cũng bị ảnh hưởng nặng bởi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa nguồn cung và giúp ổn định thị trường, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga, còn được gọi là OPEC+, sẽ tiếp tục phối hợp để ổn định thị trường dầu mỏ trong nửa cuối năm 2019, qua đó giúp hạn chế phần nào đà giảm của giá dầu.
Tuy nhiên, việc đẩy giá dầu lên cao và nỗ lực thắt chặt thị trường của OPEC đang thúc đẩy Mỹ tăng sản lượng dầu mỏ. Tính đến cuối tháng Năm vừa qua, Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới khi đạt sản lượng 12,3 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 11,11 triệu thùng/ngày của Nga và 9,65 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia.