Phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ then chốt trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Tổng thống Indonesia J.Widodo, trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất, năng lượng… của quốc gia này những năm qua vẫn thiếu sự đột phá.
Giới chuyên gia nhận định, thương mại điện tử sẽ là một trong những động lực quan trọng kích thích nền kinh tế của "quốc gia vạn đảo" tăng trưởng và Tổng thống J.Widodo sẽ không bỏ lỡ những cơ hội mà thương mại điện tử mang lại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Theo Báo The Jakarta Post, phát triển thương mại điện tử được coi là một "công cụ" hiệu quả để Indonesia có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7% mỗi năm đến năm 2025. Triển vọng phát triển đầy tươi sáng của lĩnh vực này được thể hiện qua những khoản đầu tư lớn của các tập đoàn công nghệ "khổng lồ" trên thế giới vào các doanh nghiệp thương mại điện tử của Indonesia. Năm 2018, Tập đoàn Google thông báo quyết định đầu tư vào Go-Jek - công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Indonesia, hoạt động trong lĩnh vực gọi xe, logistics và thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ, sau khi Go-Jek nhanh chóng mở rộng các ứng dụng dịch vụ của mình ra thị trường Ðông - Nam Á.
Sự tin tưởng của giới chuyên gia vào tương lai rộng mở của ngành thương mại điện tử tại Indonesia là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, thống kê cho thấy, "quốc gia vạn đảo" là một trong số các nước có tỷ lệ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cao nhất trên thế giới. Xu hướng sử dụng điện thoại thông minh cũng ngày một gia tăng trong giới trẻ Indonesia. Tuy nhiên, không phải tất cả người dân Indonesia đều có cơ hội như nhau trong việc truy cập internet. Theo Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ internet của Indonesia (APJII), ở khu vực thành thị, tỷ lệ người dân tiếp cận internet là 72%, trong khi ở khu vực nông thôn tỷ lệ này chỉ có 48%. Thậm chí, ở một vài khu vực xa xôi hẻo lánh, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 2,5%. Ðiều này đặt ra một nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ Tổng thống J.Widodo trong thời gian tới, đó là tập trung phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, qua đó giúp nâng cao tỷ lệ người dân tiếp cận internet ở khu vực nông thôn. Hiện tại, Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông Indonesia đang thúc đẩy dự án hình thành mạng cáp quang toàn quốc. Giới chức nước này nêu rõ, kết nối mạng internet là cần thiết, để phục vụ nhu cầu của toàn dân, nhất là tại các văn phòng quân đội, cảnh sát cũng như ủy ban làng, xã trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để tạo cơ hội cho những thanh niên đang khát khao thành lập công ty khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ. Theo truyền thông Indonesia, 24% dân số nước này là thanh niên và có 88% trong số đó mong muốn khởi nghiệp. Ðây là những con số "biết nói", cho thấy nhu cầu phát huy tính chủ động, sáng tạo rất lớn của tầng lớp thanh niên Indonesia, trong bối cảnh làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới. Hiện, mức độ đầu tư của Indonesia vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chỉ chiếm 1,3% GDP, trong khi mức độ đầu tư của các nước khác trong khu vực như Malaysia và Singapore lần lượt chiếm khoảng 4,5% GDP và 6,6% GDP.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lĩnh vực thương mại điện tử đối với sự phát triển tổng thể nền kinh tế, trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua của mình, ông J.Widodo từng cam kết sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển trong lĩnh vực này. Thời gian tới, Chính phủ của Tổng thống J.Widodo cần tập trung thúc đẩy một lộ trình kỹ thuật số quốc gia chặt chẽ, trong đó đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cũng như nâng cao trình độ, kỹ năng về công nghệ cho người lao động, nhằm phát huy tốt nhất những tiềm năng mà ngành thương mại điện tử mang đến cho quốc gia này.