Hôm qua (25/8), quân đội Brazil đã tới hỗ trợ chữa cháy rừng Amazon, cũng như trấn áp các hoạt động tội phạm tại những khu vực có liên quan. Động thái này diễn ra sau khi các đám cháy rừng tại Amazon đã tàn phá hàng chục nghìn héc-ta rừng nhiệt đới trong những tuần qua làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và hệ động thực vật ở vùng Amazon, gây ra phản ứng mạnh trong cộng đồng quốc tế.
Theo người phát ngôn văn phòng Tổng thống Brazil, kể từ hôm qua, Tổng thống Jair Bolsonaro đã ủy quyền cho các lực lượng quân sự ở 7 bang chống lại các đám cháy dữ dội ở Amazon, đáp lại yêu cầu hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Fernando Azevedo cho biết, khoảng 44.000 binh sĩ đã sẵn sàng cho các chiến dịch "chưa từng thấy" nhằm chiến đấu với "giặc lửa" và các lực lượng đang di chuyển đến 6 bang đề nghị chính quyền liên bang hỗ trợ, gồm Roraima, Rondonia, Tocantins, Para, Acre và Mato Gross. Ngoài ra, tổng cộng 6 máy bay đã được điều đến Rondonia trong ngày 24/8, phối hợp với các lính cứu hỏa trong nỗ lực kiềm chế cháy rừng. Đoạn video do Bộ Quốc phòng Brazil đăng tải hôm qua cho thấy, chiếc máy bay quân sự bơm hàng nghìn lít nước khi bay qua những đám khói gần tán rừng, còn các máy bay chiến đấu Brazil dội nước lên khu rừng bị cháy ở bang Rondonia.
Những đám cháy trong khu rừng mưa lớn nhất thế giới đã gây ra một phản ứng toàn cầu và là chủ đề quan tâm chính của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tại Biarritz, Pháp. Các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí hỗ trợ "càng nhanh càng tốt" cho các nước bị ảnh hưởng do những trận cháy lan rộng tại rừng Amazon. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các nước đang tìm cách thống nhất về những cơ chế thích hợp, cả về kỹ thuật và tài chính, để trợ giúp các nước Nam Mỹ. Trước đó, Tổng thống Pháp đã xếp vụ cháy rừng nghiêm trọng này là một trọng tâm nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 sau khi tuyên bố đây là tình huống khẩn cấp toàn cầu. Trong khi đó, tại Hội nghị G7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề nghị tham gia hỗ trợ chữa cháy.
Giáo hoàng Francis hôm qua bày tỏ lo ngại về tình trạng cháy rừng tại Amazon, "lá phổi" quan trọng của Trái Đất, đồng thời kêu gọi các nước trên thế giới đưa ra một cam kết mạnh mẽ để ngăn chặn các vụ cháy rừng tương tự tái diễn. Trong buổi lễ hằng tuần trước hàng nghìn tín đồ Thiên chúa giáo tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, Giáo hoàng Francis bày tỏ lo ngại về nạn cháy rừng Amazon và hối thúc 1,3 tỷ người theo đạo Thiên chúa cùng cầu nguyện để các đám cháy rừng được sớm dập tắt. Giáo hoàng Francis nhấn mạnh tới tầm quan trọng của rừng già Amazon đối với Trái Đất.
"Tất cả chúng ta đều lo lắng về những đám cháy lớn bùng phát tại Amazon. Chúng ta hãy cầu nguyện để với sự cam kết của tất cả chúng ta, đám cháy sớm được dập tắt. Khu rừng Amazon rất quan trọng đối với hành tinh của chúng ta".
Những ngày qua, đã có khoảng hơn 1.600 vụ cháy mới xảy ra tại rừng Amazon, nơi được xem là “lá phổi của Trái đất”. Sự gia tăng một cách đáng báo động của các đám cháy rừng đã tàn phá hàng chục nghìn héc-ta rừng nhiệt đới trong những tuần qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và hệ động thực vật ở vùng Amazon. Hiện con số thiệt hại chính xác vì cháy rừng Amazon vẫn chưa được xác định, song khói mù đã phủ kín thành phố São Paulo và một số thành phố khác của Brazil.
Rừng mưa Amazon có diện tích 7 triệu ki-lô-mét vuông, chiếm 60% lãnh thổ Brazil. Đây là bể chứa khí các-bon lớn nhất thế giới và được xem là "tấm khiên sống" bảo vệ Trái Đất trước sự nóng lên toàn cầu. Theo số liệu thống kê, hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và hơn 4.200 loài động vật hiện đang sinh sống tại phần rừng nhiệt đới Amazon nằm trên lãnh thổ của Brazil./.