Số người nhận viện trợ lương thực ở Yemen đã lên tới 12,4 triệu người trong tháng 8, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
Thông tin trên được Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đưa ra ngày 20/9. Tuy nhiên, theo WFP, tổ chức này vẫn cần 600 triệu USD từ các nhà tài trợ để cung cấp viện trợ lương thực cho người dân Yemen. WFP cũng đưa ra cảnh báo rằng, số khẩu phần ăn có thể sẽ phải giảm xuống từ tháng 10 tới nếu tổ chức này không được nhận thêm hỗ trợ tài chính.
Theo người phát ngôn Herve Verhoosel của WFP, tổ chức này đã tiếp cận viện trợ được với số người dân kỷ lục trong tháng 8 ở Yemen, với 12,4 triệu người. Trước đây, trung bình hàng tháng WFP đã cung cấp khẩu phần ăn tới khoảng 11 triệu người dân.
Tổ chức này đã phải tạm dừng viện trợ tại thủ đô Sanaa vào ngày 20/6 vừa qua do quan ngại rằng thực phẩm viện trợ cho nhóm người dễ bị tổn thương đã bị cướp, song vẫn duy trì chương trình hỗ trợ cho những trẻ em bị suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai và bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Hai tháng sau đó, WFP đã nối lại việc phân phối viện trợ cho 850.000 người dân tại thủ đô Yemen sau khi đạt được thỏa thuận với Houthi, lực lượng đang kiểm soát thành phố này.
Cuối tháng 8 vừa qua, Liên hợp quốc cảnh báo rằng, 22 chương trình cứu sinh có thể phải dừng lại ở Yemen trong hai tháng tới nếu như WFP không nhận được thêm hỗ trợ tài chính từ các quốc gia tài trợ.
Tuần trước, quan chức nhân đạo Liên hợp quốc cho biết, Saudi Arabia sẽ gửi 500 triệu USD vào tài khoản của Liên hợp quốc để chi cho việc hỗ trợ lương thực ở Yemen.
Saudi Arabia đã xác nhận hôm 16/9 rằng, việc chuyển tiền sẽ được thực hiện vào ngày 25/9 tới. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đưa ra những đảm bảo về khoản tiền 200 triệu USD để hỗ trợ cho Yemen.
Yemen rơi vào nội chiến kể từ năm 2014 khi lực lượng nổi dậy Houthi chiếm nhiều khu vực của nước này, trong đó có thủ đô Sanaa. Theo đề nghị của chính quyền Yemen, Saudi Arabia đã thành lập và lãnh đạo liên minh quân sự Arab chống Houthi, hỗ trợ chính phủ lưu vong của Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi được quốc tế công nhận.
Cuộc chiến tại Yemen đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, đẩy đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới, với 24,1 triệu người - hơn 2/3 dân số nước này - cần được viện trợ khẩn cấp./.