Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 14/10 công bố báo cáo cho thấy gần 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất và dành cho tiêu dùng của con người bị mất hoặc lãng phí mỗi năm, gây hậu quả cho nền kinh tế, an ninh lương thực và môi trường.
Phát biểu nhân dịp công bố báo cáo về tình hình lương thực và nông nghiệp thế giới năm 2019, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu nhấn mạnh nỗ lực đạt được tiến bộ trong việc giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm chỉ có thể có hiệu quả nếu được hiểu đúng. Chính vì vậy, báo cáo mới của FAO cung cấp một cái nhìn tổng quan về lượng thực phẩm bị mất - ở đâu và tại sao - trong suốt các giai đoạn khác nhau của chuỗi giá trị thực phẩm; đồng thời kêu gọi đưa ra các quyết định có căn cứ nhằm giảm thiểu những mất mát này một cách hiệu quả, và đưa ra những cách mới để đo lường tiến độ được thực hiện.
Báo cáo nhấn mạnh giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm sẽ góp phần vào nỗ lực đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến an ninh lương thực và bền vững môi trường. "Làm sao chúng ta có thể cho phép thực phẩm bị vứt đi khi hơn 820 triệu người trên toàn thế giới bị đói mỗi ngày?” – ông Qu Dongyu lưu ý. Theo nghiên cứu của FAO, gần 14% thực phẩm của thế giới bị mất sau khi thu hoạch và trước khi đến giai đoạn bán, bao gồm cả trong các hoạt động ở cấp độ trang trại, trong giai đoạn lưu trữ và trong quá trình vận chuyển. Song tổn thất thực phẩm thay đổi đáng kể từ vùng này sang vùng khác đối với cùng một sản phẩm và cùng các giai đoạn của chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, báo cáo còn nhấn mạnh sự cần thiết phải đo lường cẩn thận tổn thất ở từng giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm, đồng thời đưa ra một phương pháp mới. Theo FAO, cách tiếp cận này sẽ giúp xác định các giai đoạn xảy ra nhiều tổn thất nhất trong chuỗi cung ứng. Đó là các giai đoạn mà tổn thất thực phẩm ở mức cao nhất và có tác động lớn nhất đến an ninh lương thực và kinh tế. Điều này cũng sẽ giúp xác định các bước cần thiết được thực hiện để giảm tổn thất một cách hiệu quả.
Một điểm đáng lưu ý nữa là tầm quan trọng của việc giảm lãng phí thực phẩm ở khâu bán và tiêu thụ, do tuổi thọ của một số sản phẩm và hành vi của người tiêu dùng bị hạn chế, chẳng hạn như đáp ứng các tiêu chuẩn thẩm mỹ nhất định và khuyến khích tài chính thấp để tránh lãng phí thực phẩm.
Những hành động thực tế được trình bày trong báo cáo của FAO cho thấy một loạt các tổn thất và lãng phí thực phẩm ở cấp độ sản phẩm, chuỗi cung ứng và khu vực, từ đó lưu ý có thể giảm tỷ lệ tổn thất thực phẩm ở khâu ở đó, nơi những tổn thất này ở mức cao nhất.
Thiệt hại và lãng phí đối với trái cây và rau củ thường cao hơn so với ngũ cốc và các loại đậu ở tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm, ngoại trừ tổn thất tại trang trại và được ghi nhận trong giai đoạn vận chuyển ở Đông và Đông Nam Á.
Ở các nước thu nhập thấp, thiệt hại về rau quả tươi chủ yếu là do cơ sở hạ tầng kém. Nhiều quốc gia thu nhập thấp bị mất số lượng đáng kể trong giai đoạn lưu trữ do cơ sở lưu trữ kém, đặc biệt là các kho lạnh.
Trong khi đó, tại hầu hết các quốc gia thu nhập cao, mặc dù các cơ sở lưu trữ tốt, bao gồm cả các cửa hàng lạnh, luôn có sẵn trong toàn bộ chuỗi cung ứng song tổn thất lại xảy ra trong giai đoạn lưu trữ do lỗi kỹ thuật, quản lý kém nhiệt độ, độ ẩm hoặc dự trữ quá nhiều.
Báo cáo cũng trình bày kết quả của nhiều nghiên cứu trường hợp do FAO thực hiện để xác định những giai đoạn xảy ra nhiều tổn thất nhất. Kết quả chỉ ra rằng giai đoạn thu hoạch thường được xác định là một điểm gây mất mát lớn cho tất cả các loại thực phẩm. Các cơ sở lưu trữ kém và thực hành xử lý kém cũng được trích dẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới những tổn thất tại trang trại và lưu trữ. Đối với trái cây, rau củ, đóng gói và vận chuyển cũng được nhắc tới như các khâu gây thất thoát lớn.
Những phát hiện này của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc rất có giá trị để sau đó đưa ra các khuyến nghị nhằm tiến hành các can thiệp có thể giúp làm giảm tổn thất thực phẩm.
Báo cáo kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của mất mát và lãng phí thực phẩm ở tất cả các giai đoạn, đồng thời đưa ra những khuyến nghị về mặt chính sách cũng như các biện pháp can thiệp để giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm.
Giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm thường liên quan đến chi phí và nông dân. Nhà cung cấp và người tiêu dùng sẽ chỉ thực hiện các bước này nếu chi phí của họ được bù đắp bằng lợi nhuận. Do đó, theo báo cáo, việc thay đổi ưu đãi cho các chủ thể khác nhau trong chuỗi cung ứng sẽ liên quan đến việc xác định các tùy chọn làm tăng lợi nhuận ròng hoặc cung cấp nhiều thông tin tốt hơn về lợi nhuận ròng hiện có.
Ngay cả khi những người chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nhận thức được lợi ích của việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, họ có thể phải đối mặt với những hạn chế ngăn cản họ thực hiện hành động của mình. Ví dụ, nếu không có hỗ trợ tài chính, các chủ thể tư nhân ở các nước đang phát triển, đặc biệt là nông dân sản xuất nhỏ, có thể không chịu nổi chi phí trực tiếp liên quan đến việc thực hiện các hành động đó. Chính vì vậy, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng có thể là một lựa chọn ngay cả khi không có thông tin chi tiết về tổn thất.
Ngoài ra, tài liệu nghiên cứu của FAO cũng giúp các chính phủ phân tích những hạn chế và lựa chọn cần thiết để thực hiện các can thiệp hiệu quả hơn. Ví dụ, họ có thể tuyên truyền cho các nhà cung cấp và người tiêu dùng về lợi ích của việc giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm và những tác động có thể có thông qua các chính sách và biện pháp phù hợp.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng các biện pháp chính sách được thực hiện để giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm cần phải được thống nhất và liên quan đến việc giám sát và đánh giá hiệu quả các can thiệp để bảo đảm trách nhiệm cho các hành động và sáng kiến hiện có./.