Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á – Thái Bình Dương (APS) 2019 với chủ đề “Ứng phó với những thách thức chính hiện tại: Sự phụ thuộc chung, Hòa giải quốc gia, Thịnh vượng chung và Những giá trị toàn cầu” sẽ diễn ra tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia từ ngày 18 – 20/11.
Phát ngôn viên Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Ek Tha cho biết: Campuchia sẽ phối hợp với Liên đoàn Hòa Bình toàn cầu (UPF) để đồng tổ chức Hội nghị. Ông cũng cho hay Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen sẽ chủ trì phiên khai mạc hội nghị.
Hội nghị dự kiến sẽ thu hút khoảng 500 khách mời đến từ 50 quốc gia và khu vực, bao gồm các nguyên thủ và cựu nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và các nhà lãnh đạo quốc hội, lãnh đạo tôn giáo, đại diện lãnh đạo các tổ chức phụ nữ, giới học giả cũng như các nghệ sĩ, giới trẻ của hơn 150 quốc gia cùng đến tham dự.
“APS sẽ là một sự kiện mang tính lịch sử tại Campuchia”, ông Ek Tha cho biết. “Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã có những đóng góp tích cực cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và thịnh vượng cho toàn thế giới”.
Theo thông báo của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, Hội nghị APS 2019 sẽ cho thấy các tác động tích cực của sự hợp tác giữa chính phủ và xã hội dân sự đối với việc xây dựng hòa bình và hòa giải, sự phát triển bền vững, hợp tác thịnh vượng và giải pháp khả thi cho những vấn đề quan trọng. Dựa trên cơ sở này, “một sáng kiến mới sẽ được công bố trong Hội nghị sắp tới”, ông cho biết.
UPF, một tổ chức phi chính phủ hiện đang hợp tác với Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) và có các chương trình quốc gia tại hơn 150 quốc gia.
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã bổ nhiệm Phó Thủ tướng Bin Chhin, Bộ trưởng Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Liên Bộ về tổ chức Hội nghị APS 2019.
Ủy ban Liên bộ cũng bao gồm 3 phó chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia Phoeurng Sackona, Bộ trưởng Du lịch Thong Khon, và Thư ký Hội đồng Nhà nước Kemreat Viseth và các thành viên đến từ 20 bộ liên quan để chuẩn bị cho hội nghị.
Campuchia trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 1999 và Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2004. Campuchia cũng thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia và đạt được nhiều thành tựu thông qua hội nhập khu vực và quốc tế.
Năm ngoái, Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại Kathmandu, thủ đô của Nepal./.