Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) mới đây tiến hành phiên họp lần thứ 50 tại Geneva (Thụy Sĩ) để xem xét báo cáo đặc biệt về tương lai và vai trò của đất đai trước tình trạng biến đổi khí hậu. Nguy cơ mà biến đổi khí hậu gây ra ngày càng trầm trọng, đe dọa an ninh lương thực.
Trong bối cảnh đó, các nước châu Phi, khu vực luôn đối mặt nguy cơ thiếu lương thực, thúc đẩy các chính sách giúp tăng cường khả năng đối phó thời tiết cực đoan, nâng cao năng suất cây trồng, chống đói nghèo.
Báo cáo đặc biệt của IPCC về các vấn đề “Biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, suy thoái đất, quản lý đất đai bền vững, an ninh lương thực và dòng khí hiệu ứng nhà kính trong các hệ sinh thái trên cạn” được cho là hồ sơ, phân tích khoa học toàn diện nhất cho đến nay về chủ đề này. Chủ tịch IPCC, ông Hoesung Lee bày tỏ hy vọng báo cáo sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cộng đồng về mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu đối với đời sống con người, nhất là liên quan trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có, gây ra tác động tiêu cực đến những cộng đồng dễ bị tổn thương ở châu Phi.
Một thực trạng hiện nay đang diễn ra ở châu Phi là phần lớn các quốc gia thành viên thuộc Cộng đồng phát triển miền nam châu Phi (SADC) đang phải đối mặt tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do thiên tai và thời tiết không thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hạn hán triền miên cùng hàng loạt vụ thiên tai xảy ra từ đầu năm đã khiến sản lượng lương thực tại khu vực này sụt giảm nghiêm trọng, nhất là tại các quốc gia vừa trải qua siêu bão Idai hồi cuối tháng 3 như Mozambique, Malawi, Madagascar và Comoros. Siêu bão Idai quét qua khu vực đông nam châu Phi được xem là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất từng xảy ra tại nam bán cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cơn bão này cần hơn hai tỷ USD để phục hồi.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), nạn đói gia tăng ở hầu hết các khu vực của châu Phi và lục địa này có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới, ở mức gần 20%. Bị ảnh hưởng nghiêm trọng là các quốc gia phía đông, nơi gần một phần ba số dân phải vật lộn tìm lương thực để đủ ăn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do biến đổi khí hậu. Trước thực trạng đáng lo ngại này, Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ các nước châu Phi và các đối tác phát triển chủ chốt cần hỗ trợ người nông dân ở khu vực này đối phó mối đe dọa do biến đổi khí hậu, với các chính sách mang tầm quốc gia nhằm bảo vệ nông dân và giúp họ khả năng mau chóng phục hồi. Theo FAO, các cơ sở sản xuất lương thực quy mô nhỏ và gia đình của họ rất dễ bị ảnh hưởng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Việc xây dựng khả năng phục hồi cho nông dân là một trong những ưu tiên của chính phủ các nước châu Phi và điều này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về lương thực cho khoảng hai tỷ người của lục địa này vào năm 2050.
Biện pháp mà các nước châu Phi được cho là có thể thực hiện ngay trong thời gian tới là phối hợp xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, đưa ra cảnh báo kịp thời về thiên tai, nhằm tăng cường hơn nữa khả năng ứng phó. Tuy nhiên, để có nguồn lực thực hiện các ưu tiên và chương trình nêu trên, các nước châu Phi tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, nhân lực và kỹ thuật; đồng thời chính phủ các nước trong khu vực cần tăng cường khả năng quản lý và đối phó hiệu quả thiên tai nhằm giúp “lục địa đen” sớm thoát khỏi đói nghèo và bảo đảm an ninh lương thực.