Sau hai lần trì hoãn trong vòng bốn năm, thuế tiêu dùng ở Nhật Bản từ ngày 1-10 đã được tăng từ mức 8% lên 10% trong bối cảnh Chính phủ nước này đang phải vật lộn để trang trải chi phí an sinh xã hội đang ngày càng phình to do dân số già và tỷ lệ sinh giảm.
Đợt tăng thuế gần nhất ở Nhật Bản là vào tháng 4-2014 khi thuế tiêu dùng được tăng từ 5% lên 8%. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tiếp tục tăng thuế tiêu dùng lên 10% vào tháng 10-2015. Tuy nhiên, kế hoạch này lại bị trì hoãn vào các tháng 10-2015 và tháng 4-2017 do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu tiêu dùng và tác động xấu tới toàn bộ nền kinh tế, như đã từng xảy ra ở lần tăng thuế trước.
Hiện tại, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn cho rằng nền kinh tế Nhật Bản đang trải qua giai đoạn tăng trưởng dài nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai với nhu cầu nội địa vẫn ổn định. Tuy nhiên, cũng có những quan ngại rằng nền kinh tế có thể bị tổn hại bởi những nguy cơ từ bên ngoài, như những căng thẳng thương mại.
Dù các chuyên gia nhận định, việc tăng thuế tiêu dùng lần này có thể khiến tăng trưởng trong quý IV sụt giảm, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, cũng như các quan chức chính phủ cao cấp khác, tuyên bố rằng các biện pháp của chính phủ đang hoạt động hiệu quả và không có dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế sẽ bị sứt mẻ do việc tăng thuế.
Nhằm hạn chế tác động xấu tức thời tới nền kinh tế từ việc tăng thuế lần này, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một loạt biện pháp, từ giảm thuế với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng hằng ngày khác đến thực hiện chương trình thưởng điểm cho thanh toán không dùng tiền mặt, giảm thuế đối với ô tô và nhà ở.
Thực phẩm và đồ uống không cồn sẽ tiếp tục chịu mức thuế 8%. Nhưng các mặt hàng sử dụng hằng ngày không phải thực phẩm sẽ chịu thuế 10%. Các mức thuế khác nhau phụ thuộc vào nơi mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ. Thí dụ, một bữa ăn tại một cửa hàng hay một nhà hàng sẽ phải chịu thuế 10%, nhưng bữa ăn đó nếu mua mang về sẽ chỉ chịu mức thuế 8%.
Trong khi đó, điểm thưởng cho các khoản thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được thực hiện trong chín tháng tính đến tháng 6-2020. Tỷ lệ hoàn tiền sẽ là 5% tại các cửa hàng vừa và nhỏ và 2% tại các chuỗi cửa hàng lớn, bao gồm các cửa hàng tiện lợi.
Chính phủ Nhật Bản ước tính, việc tăng thuế tiêu dùng lần này sẽ mang lại khoảng 5.700 tỷ Yên (52,8 tỷ USD) cho ngân sách nhà nước. Một nửa số tăng thu ngân sách này sẽ được sử dụng để cải thiện các chương trình an sinh xã hội, tập trung vào giáo dục mẫu giáo miễn phí ngay trong tháng 10 này.