Các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức, hai cường quốc châu Âu, sẽ gặp nhau tại Paris vào ngày 13/10 để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của Liên minh châu Âu (EU) và thảo luận về các cách thức nhằm bảo đảm thực hiện Brexit có trật tự.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/10 cho biết ông sẽ tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel vào Chủ nhật tới tại Cung điện Elysee. Tại đây, hai bên sẽ trao đổi về các vấn đề của châu Âu trước hội nghị thượng đỉnh châu Âu dự kiến diễn ra vào ngày 17 - 18/10.
Tại Brussels cũng như tại London, các nhà chức trách coi cuộc đàm phán trong tuần này về Brexit có vai trò rất quan trọng khi họ cố gắng đạt được thỏa thuận mới trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu vào tuần tới, cơ hội cuối cùng để tránh xảy ra Brexit cứng, theo Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Đầu tháng này, Văn phòng Thủ tướng Anh ra tuyên bố khẳng định ông Boris Johnson sẽ không tìm cách trì hoãn Brexit tại Hội nghị cấp cao của EU vào ngày 17 - 18/10 tới.
Truyền thông Anh đưa tin, theo kế hoạch, Thủ tướng Anh chuyển tới giới chức EU các đề xuất mới liên quan thỏa thuận Brexit, trong đó có vấn đề biên giới Ireland. Ðề xuất mới được cho là sẽ để Bắc Ireland duy trì mối quan hệ đặc biệt với EU cho đến năm 2025. Ðiều này đồng nghĩa với vùng lãnh thổ này sẽ tiếp tục là một phần của thị trường chung châu Âu đến ít nhất thời điểm nói trên. Tuy nhiên, cùng với toàn bộ nước Anh, Bắc Ireland sẽ rời liên minh thuế quan EU vào cùng thời điểm.
Tuy nhiên, theo ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, kế hoạch Brexit mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra không thể là nền tảng để hai bên bắt đầu thỏa thuận. "EU không thể chấp nhận đề xuất của Anh như hiện nay vì nó sẽ thay thế một giải pháp hoạt động, thực tế và hợp pháp bằng một giải pháp giả thuyết và tạm thời" – ông Barnier nêu rõ.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) ngày 9/10, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier nhấn mạnh: "Chúng ta cần các giải pháp thực sự và đáng tin cậy cho đảo Ireland, và việc tìm kiếm một thỏa thuận là khó khăn nhưng luôn luôn có thể". Ông Barnier đã liệt kê 3 điểm chính khiến EU không thể chấp nhận những đề xuất mới của Anh gồm giải pháp thuế quan dự tính cho đảo Ireland, vai trò của chính quyền vùng Bắc Ireland và thiếu các giải pháp pháp lý hiệu quả để bảo đảm những dàn xếp trên có thể được triển khai.
Trước đó, ngày 2/10, phát biểu tại Hội nghị hàng năm của đảng Bảo thủ, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định đã đến lúc phải thực hiện việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit. Một lần nữa ông cam kết sẽ đưa Anh rời EU vào ngày 31/10 tới để "đến với những gì có thể", dù có hoặc không có thỏa thuận.
Tháng 9 vừa qua, các nhà lập pháp của Anh cũng đã bỏ phiếu ủng hộ luật để ngăn Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10, nhằm buộc Thủ tướng Boris Johnson phải tìm cách tăng thêm 3 tháng thời hạn cho Brexit.
Sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6/2016 về việc Anh rời Liên minh châu Âu, bắt đầu từ cuối tháng 3/2017, nước Anh đã chính thức khởi động tiến trình đàm phán với các nước thành viên EU để rời khỏi liên minh này. Các cuộc đàm phán Brexit đã chính thức được bắt đầu vào tháng 6/2017. Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã liên tục lâm vào bế tắc khi cả hai bên vẫn không thể đi đến một quyết định quan trọng nào. Giữa Anh và EU tồn tại nhiều vấn đề phải đàm phán, trong đó chủ chốt là vấn đề nghĩa vụ tài chính, quyền công dân và biên giới Ireland./.