Triều Tiên tiếp tục kêu gọi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch

16:36, 21/11/2019

Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui tuyên bố nước này không quan tâm tới việc tiến hành Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, nếu như Washington tiếp tục duy trì chính sách thù địch chống lại Bình Nhưỡng.

Phát biểu với phóng viên ngày 20/11, bà Choe Son-hui nêu rõ: "Theo tôi, các cuộc thảo luận liên quan tới vấn đề hạt nhân có thể đã được loại khỏi bàn đàm phán trong các cuộc thương lượng tương lai. Tôi nghĩ vấn đề hạt nhân chỉ có thể được thảo luận trở lại khi Mỹ từ bỏ mọi chính sách thù địch chống lại Triều Tiên".

Thông điệp trên được bà Choe Son-hui đưa ra sau cuộc gặp các quan chức cấp cao Nga, nhân dịp bà tới thủ đô Moscow để tham dự đối thoại chiến lược giữa hai nước về các vấn đề song phương và quốc tế.

Sau vòng đối thoại với Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Titov, ngày 20/11, bà Choe Son-hui khẳng định, Triều Tiên sẽ tiếp tục nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Cùng ngày, bà Choe Son-hui cũng đã gặp gỡ Ngoại trưởng Sergei Lavrov để thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.

Chuyến thăm Nga của bà Choe Son-hui diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moscow đang ngày càng được thắt chặt thông qua các hoạt động trao đổi cấp cao diễn ra tích cực sau Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 4/2019. Giới phân tích cho rằng, việc Triều Tiên “xích lại gần hơn” trong mối quan hệ với Nga cũng là một động thái nhằm “gây sức ép” với Mỹ trong giải quyết vấn đề hạt nhân, nhất là trong bối cảnh thời hạn chót do Triều Tiên ấn định vào cuối năm nay để Mỹ đưa ra những đề xuất hợp lý hơn trên bàn đàm phán đang dần cạn kiệt.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ngày 20/11, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên – ông Stephen Biegun tuyên bố cánh cửa đối thoại với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa vẫn còn được để ngỏ, song khuyến cáo Bình Nhưỡng cần nắm bắt cơ hội. Ông Biegun cho biết thêm đối tác đàm phán với ông bên phía Triều Tiên có thể là bà Choe Son-hui và hy vọng một quan chức có thực quyền của Triều Tiên sẽ tham gia vào các cuộc đối thoại song phương với Mỹ.

Theo quan điểm của ông Biegun thì cho tới nay, Mỹ vẫn chưa nắm được bằng chứng cụ thể về các kế hoạch từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, song tin tưởng rằng Triều Tiên vẫn có thể đưa ra một sự lựa chọn.

Cuộc điều trần ngày 20/11 được tổ chức nhằm xem xét công nhận việc đề cử ông Biegun làm Thứ trưởng ngoại giao. Ông Biegun được cho là vẫn sẽ phụ trách việc đàm phán với Triều Tiên khi đảm nhiệm vị trí này trong Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong một thông điệp phát đi ngày 20/11, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul cũng bày tỏ hy vọng rằng Triều Tiên và Mỹ sẽ có từ 1 đến 2 cơ hội để thảo luận về vấn đề hạt nhân trước cuối năm nay. Quan chức Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ và Triều Tiên cần nắm bắt các cơ hội đàm phán vì ông không chắc liệu “cơ hội có lặp lại hay không”.

Ông Kim Yeon-chul kêu gọi Mỹ và Triều Tiên cần chấm dứt tất cả các hành vi thù địch trong khi các vòng đàm phán đang diễn ra, đồng thời lưu ý thêm rằng việc Mỹ và Hàn Quốc đình chỉ các cuộc tập trận chung vào năm ngoái đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình ngoại giao trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Việc Mỹ và Triều Tiên thực hiện các bước đi giúp xây dựng lòng tin giữa đôi bên được tin tưởng là sẽ tạo ra một “bước ngoặt quan trọng” hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên./.