Hàng trăm nghìn người Pháp đã tham gia vào cuộc bãi công với quy mô toàn quốc nhằm phản đối kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu của chính phủ - một trong những chính sách cải cách tham vọng nhất của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi lên nắm quyền.
Bộ Nội vụ Pháp ước tính có khoảng 806.000 người dân đã tham gia bãi công vào ngày 5/12, trong khi nghiệp đoàn CGT cho rằng có tới 1,5 triệu người đã đổ xuống các tuyến phố trên khắp cả nước để phản đối kế hoạch cải cách của chính phủ. Các cuộc tuần hành quy mô lớn đã khiến hoạt động giao thông tại nhiều khu vực tê liệt, thậm chí nhiều trường học phải đóng cửa, hệ thống đường sắt cao tốc và nhiều chuyến bay bị hoãn hủy hoặc gián đoạn.
Mặc dù hầu hết các cuộc tuần hành diễn ra trong hòa bình, song tại thủ đô Paris và thành phố Lyon (Li-ông) ở Đông Nam và Nantes (Năng) ở phía Tây nước Pháp, cảnh sát đã buộc phải bắn đạn hơi cay để giải tán các nhóm biểu tình quá khích.
Các nghiệp đoàn tại Pháp tuyên bố cuộc đình công phản đối cải cách chế độ hưu trí sẽ còn kéo dài tới ngày 9/12. Chủ tịch UNSA - một trong 3 nghiệp đoàn lớn nhất nước Pháp - ông Thierry Babec (Thi-ê-ry Ba-bếch) cho biết hầu hết các công nhân đang tham gia bãi công đều nhất trí sẽ kéo dài hoạt động này cho tới thời điểm trên. Ông Babec đồng thời cảnh báo mạng lưới giao thông "sẽ thực sự tê liệt" nếu chính phủ không từ bỏ kế hoạch cải cách lương hưu.
Ngày 6/12, ngày thứ hai của cuộc tổng bãi công, Công ty đường sắt quốc gia SNCF đã hủy tới 90% các chuyến tàu cao tốc, cảnh báo sẽ xảy ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng các tuyến từ London tới Brussels và ngược lại. Trong khi đó, các nhân viên vận tải tại Paris cũng nhất trí kéo dài hoạt động bãi công, đã khiến 11 trong số 16 tuyến tàu điện ngầm đóng cửa, ít nhất tới ngày 9/12. Hãng hàng không Air Frace cũng thông báo hủy 30% chuyến bay nội địa và 10% chuyến bay quốc tế chặng ngắn.
Với Tổng thống Macron, kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu này có vai trò quan trọng, định hình cho nửa nhiệm kỳ còn lại của ông với những biện pháp cải cách khó khăn hơn trong đó có việc điều chỉnh trợ cấp lương hưu. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn lập luận rằng chế độ lương hưu chung sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công và tư nhân phải làm việc lâu hơn hoặc đối mặt với việc bị giảm lương hưu. Nhiều công nhân viên lại cho rằng cải cách trên tước đi các quyền lợi đặc biệt dành cho họ lâu nay.
Vài tháng trước, giới chức Pháp từng phải đối mặt làn sóng biểu tình của phong trào "Áo vàng" phản đối tăng giá nhiên liệu./.