Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang quân sự ở khu vực Tây Bắc Syria, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chiến sự.
Trong thông cáo báo chí vừa được công bố, ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, nêu rõ nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc được báo động về quy mô của các đợt triển khai quân sự.
Theo đó, chỉ trong vòng vài ngày từ 20 – 22/12 vừa qua, khoảng 39 cộng đồng đã bị tấn công khi bom được ném liên tiếp vào các khu vực phía Bắc của Hama, miền Nam Idlib và phía Tây Aleppo; trong khi 47 cộng đồng đã bị tấn công bởi các cuộc không kích. "Liên hợp quốc vẫn quan ngại sâu sắc về vấn đề an ninh và bảo vệ đối với hơn 3 triệu dân thường ở Idlib" – ông Stéphane Dujarric cho biết. Hơn một nửa số người này đã phải di dời vì các cuộc không kích trong khu vực.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho hay những chuyến di dời trong những tháng mùa đông càng khiến cho người buộc phải di cư bị ảnh hưởng trầm trọng hơn. "Nhiều người trong số những người bỏ trốn đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, đặc biệt là nơi ở, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, viện trợ phi thực phẩm và viện trợ cho mùa đông" – OCHA nêu rõ.
Số lượng người buộc phải di cư tiếp tục gia tăng
Trong bối cảnh các vụ đánh bom liên tục gia tăng, hàng chục nghìn dân thường đã buộc phải rời khỏi khu vực này của tỉnh Idlib kể từ đầu tuần. Ông Dujarric cho biết tình hình leo thang quân sự gần đây ở Syria đã cướp đi hàng chục sinh mạng của người dân và khiến ít nhất 80.000 dân thường phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có tới 30.000 người phải di dời chỉ trong tuần qua.
Ngoài ra, theo OCHA, hàng chục nghìn dân thường cũng đã chạy trốn khỏi khu vực Ma’arrat An-Nu’man ở miền Nam Idlib, kể từ ngày 16/12. Những người này đã di chuyển "xa hơn về phía Bắc do chiến sự tái diễn". Hàng nghìn người khác ở miền Nam Idlib cũng đang chờ đợi để thoát khỏi các vụ đánh bom và tìm phương tiện di chuyển để chạy trốn do lo sợ sự thù địch sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cộng đồng của họ.
Những cộng đồng người di cư này tiếp tục bổ sung vào con số hơn 400.000 phụ nữ, trẻ em và nam giới đã chạy trốn khỏi xung đột và bạo lực từ cuối tháng 4. Khu vực Idlib là nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người, hơn một nửa trong số đó là những người phải di tản, những người chạy trốn khỏi các cuộc chiến đấu từ những nơi khác ở Syria.
OCHA nhấn mạnh rằng tình hình an ninh vẫn không ổn định dọc theo các tuyến đường tiếp cận phía Bắc và tình trạng thiếu nhiên liệu ở khu vực Idlib đang hạn chế sự di chuyển của các thường dân chạy trốn khỏi chiến sự. Hầu hết những người mới di cư đang hướng đến các trung tâm đô thị như thành phố Idlib, Saraqab và Ariha và đến các trại tị nạn ở phía Tây Bắc Idlib. Một số ít dân thường được cho là đang di chuyển đến các khu vực ở phía Bắc tỉnh Aleppo.
Tất cả các bên cần có nghĩa vụ bảo vệ thường dân
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng báo động về các báo cáo gần đây cho thấy nhiều cuộc tấn công nhằm vào các tuyến đường di cư khi người dân cố gắng chạy trốn về phía Bắc để tìm kiếm sự an toàn. "Tổng thư ký nhắc nhở tất cả các bên về nghĩa vụ của mình để bảo vệ thường dân và bảo đảm quyền tự do đi lại" – người phát ngôn nêu rõ. Quyền được tiếp cận nhân đạo bền vững, không bị cản trở và an toàn cho dân thường phải được bảo đảm để cho phép Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo tiếp tục thực hiện công việc quan trọng ở phía Bắc Syria.
Trong bối cảnh xung đột bạo lực tiếp tục leo thang, Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên bảo đảm bảo vệ dân thường và cho phép các tổ chức nhân đạo có được quyền tiếp cận an toàn, lâu dài và không bị cản trở đối với tất cả những người đang cần trợ giúp.
Thêm vào đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng nhắc lại rằng trẻ em là những người đầu tiên phải chịu đựng tình trạng leo thang quân sự ở phía Tây Bắc Syria. "Hơn 500 trẻ em bị thương hoặc thiệt mạng trong 9 tháng đầu năm 2019 và ít nhất 65 trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương chỉ trong tháng 12" – UNICEF cho biết.
Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa nhắc lại rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột Syria, thay vào đó, giải pháp đáng tin cậy duy nhất là một quá trình chính trị được Liên hợp quốc tạo điều kiện theo Nghị quyết 2254 (2015) của Hội đồng Bảo an./.