Các Bộ trưởng Năng lượng thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu không thuộc OPEC (OPEC+) đã đồng ý cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày trong quý I/2020.
Thỏa thuận được các nước thành viên của OPEC+ đưa ra tại trụ sở của OPEC ở Vienna (Áo) ngày 6/12, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. Động thái này diễn ra trong bối cảnh giá dầu đang chịu sức ép do nguồn cung khí đốt đang gia tăng từ Mỹ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, những rủi ro sẽ xảy ra nếu để dư thừa nguồn cung trong năm 2020 khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu thô hay đã qua chế biến đều giảm.
Theo ông Alexander Novak, việc cắt giảm thêm sản lượng dầu mỏ có thể kéo dài đến hết quý 1/2020 và sẽ chỉ được triển khai nếu các quốc gia tuân thủ theo hạn ngạch sản lượng hiện tại.
Ông Novak cũng cho biết, khí ngưng tụ sẽ không còn được xem là nằm trong sản lượng của các quốc gia, một động thái sẽ giảm bớt tác động của các đợt cắt giảm sản lượng.
Bản thỏa thuận mới này vượt xa dự đoán của giới chuyên gia. Theo đó OPEC và đồng minh sẽ cắt giảm 1,7 triệu thùng dầu/ngày, tương ứng 1,7% sản lượng dầu toàn cầu. Dự kiến, liên minh các cường quốc xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày ngày 5-6/3/2020 để xem xét lại chính sách về cắt giảm sản lượng.
Giá dầu thế giới đồng loạt tăng mạnh sau công bố của OPEC+. Giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 64,7 USD/thùng, tăng khoảng 2% vào ngày 6/12, trong khi dầu thô Tây Texas (WTI) giao dịch ở mức 59,63 USD/thùng.
Trước đó, tại cuộc họp giữa 14 thành viên của OPEC vào ngày 5/12 kéo dài hơn 6h đồng hồ vẫn chưa rõ họ có đạt được thỏa thuận nào về cắt giảm sản lượng dầu mỏ hay không, thỏa thuận vốn được kỳ vọng là có thể giúp giảm sức ép lên giá trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và nguồn cung dồi dào.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cho biết các bên đã tiến tới thỏa thuận nhưng lại không cho biết thêm thông tin chi tiết, trong khi Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út Abdulaziz bin Salman cho biết hiện chưa thể nói OPEC đã đạt được thỏa thuận cho tới khi cuộc họp với các nhà sản xuất ngoài OPEC diễn ra trong ngày 6/12.
Một số Bộ trường các nước thành viên OPEC lo ngại rằng, một nền kinh tế đang suy yếu có thể gây ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dầu mỏ. Vì vậy, họ đã kêu gọi một thỏa thuận cắt giảm sản lượng kéo dài tới tháng 6 hoặc tháng 12/2020.
Nhóm OPEC+ đã cắt giảm sản lượng từ tháng 1/2017 để đối phó với việc sản lượng của Mỹ, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay đang tăng mạnh. Cùng với Nga và các nước đối tác sản xuất dầu mỏ khác, OPEC đã nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng xuống 1,2 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2019 nhằm thay thế chính sách cắt giảm vào năm 2017.
Trước đó, vào tháng 11, báo cáo thường niên về Triển vọng Dầu mỏ toàn cầu (WOO) 2019 của OPEC đã đưa ra dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm xuống còn 104,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và 110,6 triệu thùng/ngày vào năm 2040.
Trong khi đó, OPEC cho biết, sản lượng dầu thô và nhiên liệu lỏng khác của tổ chức này sẽ giảm trong 5 năm tới từ mức 35 triệu thùng/ngày vào năm 2019 còn 32,8 triệu thùng/ngày do sản lượng dầu đá phiến đang gia tăng từ Mỹ cùng một số nơi khác.
WOO nhận định tổng nhu cầu năng lượng cơ bản sẽ tăng 25% trong giai đoạn từ năm 2018-2040, với năng lượng tái tạo dẫn đầu xu hướng tăng trưởng. Trong khi đó, dầu mỏ và khí đốt sẽ đáp ứng hơn 50% nhu cầu năng lượng thế giới vào cuối giai đoạn dự báo./.