Ngày 9-1, thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ký kết với Liên hiệp châu Âu (EU) hồi tháng 10-2019 đã được Hạ viện Anh thông qua lần thứ hai. Kết quả này đánh dấu cột mốc quan trọng cho thấy Anh đang đi đúng lộ trình rời EU vào hạn chót 31-1 tới, sau hơn ba năm nội bộ nước này bất đồng về các điều khoản của cuộc “chia tay” chưa từng có trong lịch sử “mái nhà chung châu Âu”.
Theo đó, Hạ viện Anh đã thông qua thỏa thuận Brexit với tỷ lệ 330 phiếu thuận và 231 phiếu chống. Trước đó, ngày 20-12-2019, thỏa thuận này được Hạ viện Anh khóa mới thông qua lần thứ nhất với tỷ lệ phiếu cách biệt (358 phiếu thuận và 234 phiếu chống).
Theo kế hoạch, dự luật Brexit sẽ được Thượng viện Anh thông qua trước khi được Hoàng gia Anh phê chuẩn. Dự kiến, dự luật này sẽ có hiệu lực trong vài tuần tới, cho phép nước Anh rời EU đúng hạn chót 31-1 cùng với một thỏa thuận có khả năng hạn chế nguy cơ nền kinh tế Anh bị gián đoạn ở mức thấp nhất.
Văn phòng Chính phủ Anh cùng ngày cho biết, Anh đã sẵn sàng khởi động giai đoạn tiếp theo trong tiến trình Brexit vào ngày 2-1, đó là đàm phán một thỏa thuận thương mại với EU trong năm nay. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cảnh báo, Anh có thể bị hạn chế tiếp cận thị trường EU nếu London không chấp nhận những điều khoản về các khoản trợ cấp nhà nước. Ông Barnier cũng nhấn mạnh rằng, mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại tự do ở mức độ cao nhất của Anh vào cuối năm nay rất khó trở thành hiện thực.
Trước đó, trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đang ở thăm London ngày 8-1, Thủ tướng Johnson đã gửi thông điệp rằng Chính phủ Anh có thể tìm kiếm thỏa thuận từng phần với EU trong giai đoạn hậu Brexit, trong đó tạm gác lại một số vấn đề chưa được giải quyết, song vẫn để ngỏ khả năng rời EU mà không có thỏa thuận nào vào cuối năm nay.