2.153 người giàu nhất thế giới kiểm soát lượng tiền nhiều hơn 4,6 tỷ người nghèo trên thế giới gộp lại trong năm 2019. Trong khi đó, số tiền không trả cho phụ nữ và trẻ em gái mỗi năm nhiều gấp ba lần số tiền ngành công nghệ đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu.
Đây là thông tin được đưa ra trong bản báo cáo có tên gọi “Time to Care” (tạm dịch “Đến lúc phải quan tâm”) của tổ chức Oxfam đưa ra ngày 20-1 trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới hàng năm tại Davos, Thụy Sĩ.
Trong bản báo cáo, Oxfam nói rằng phụ nữ trên khắp thế giới phải làm việc 12,5 tỷ giờ mỗi năm mà không được trả lương hay công nhận. Oxfam ước tính, công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ đã tăng thêm ít nhất 10,8 nghìn tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế thế giới - gấp ba lần so với đóng góp của ngành công nghệ.
Trả lời hãng tin Reuters, CEO của Oxfam Ấn Độ Amitabh Behar nói rằng: “điều quan trọng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta thấy thực sự động lực ẩn của nền kinh tế chính là công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ. Và cần phải có sự thay đổi”.
Nêu bật mức độ bất bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu, ông Behar dẫn trường hợp của cô Buchu Devi, một phụ nữ Ấn Độ phải dành 16 đến 17 giờ mỗi ngày cho các việc như đi bộ 3km để lấy nước, nấu ăn, chuẩn bị cho con đi học và làm công việc được trả lương thấp.
Theo ông Behar, ở Ấn Độ có rất nhiều phụ nữ như cô Buchi Devi, và trên thế giới cũng có rất nhiều câu chuyện như vậy. Trong khi đó, diễn đàn Davos có sự tham dự của nhiều tỷ phú tham dự với máy bay cá nhân và những lối sống siêu giàu có. “Chúng ta cần thay đổi điều này”, ông Behar nhấn mạnh.
CEO của Oxfam Ấn Độ Behar cho rằng, để khắc phục điều này, các chính phủ cần bảo đảm trên hết rằng người giàu phải đóng thuế. Những khoản thuế này cần được sử dụng để đầu tư vào các tiện nghi như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và trường học có chất lượng tốt hơn.