Năm 2019, tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế, khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra năm 2008. Bước vào năm 2020 với nhiều kỳ vọng, nhưng kinh tế thế giới vẫn đối mặt những rủi ro từ xung đột thương mại và địa chính trị.
Theo số liệu thống kê của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Nhà Kinh tế (The Economist), tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 đã giảm xuống mức 2,8%, từ mức 3,5% của năm 2018 và 3,8% của năm 2017. EIU đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,1% cho năm 2020 và 3,4% năm 2021. Số liệu thống kê, dự báo kinh tế của các tổ chức nghiên cứu trên thế giới chưa đồng nhất, nhưng đánh giá chung đều cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2020 vẫn lạc quan.
Kịch bản phục hồi của nền kinh tế thế giới và sự lạc quan của các chuyên gia có căn cứ từ xu hướng tiếp tục chủ động nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, nhằm ngăn chặn suy thoái. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) hay Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đều đã thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất trong năm 2019. Chính sách tài khóa cũng được mở rộng, phối hợp với chính sách tiền tệ, là công cụ của nhiều chính phủ trong việc kích thích nền kinh tế và kiềm chế suy thoái. Các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều đã thông qua kế hoạch tăng chi ngân sách và giảm thuế. Tuy nhiên, gánh nặng nợ công toàn cầu sẽ tích tụ nhiều rủi ro vỡ nợ dây chuyền và khủng hoảng nợ nếu các chính phủ không chi tiêu thận trọng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng giá trị nợ công đến hết năm 2018 đã ở mức kỷ lục 230% của GDP toàn cầu và vẫn không ngừng tăng lên.
Trong bối cảnh tăng trưởng của những nền kinh tế đầu tàu đều giảm tốc, điển hình là Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc, tăng trưởng đến từ những nền kinh tế đang phát triển như Ấn Ðộ, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ… sẽ là động lực đáng kể đóng góp vào tăng trưởng chung toàn cầu. Tổ chức tư vấn Morgan Stanley dự báo, trong khi nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 1,3% trong năm 2020 và 1,5% trong năm 2021, thì các nền kinh tế mới nổi có thể đạt mức 4,4% và 4,7% cùng giai đoạn.
Các nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ phục hồi sớm hơn so với các nền kinh tế phát triển, nhưng những diễn biến, căng thẳng địa chính trị toàn cầu vẫn là nguy cơ lớn nhất kìm hãm sự tăng tốc của kinh tế thế giới. Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạm thời hạ nhiệt với thỏa thuận bước đầu, tuy nhiên, không loại trừ khả năng những bước thỏa thuận tiếp theo có thể bị gián đoạn. Tiến trình Brexit cũng tạo sự lo lắng cho các nhà đầu tư, nhiều tập đoàn lưỡng lự triển khai các dự án trước khi Anh đạt thỏa thuận thương mại với EU. Các rủi ro xung đột chính trị và quân sự ở khu vực Trung Ðông, Ðông - Bắc Á, hay Nam Mỹ đều có ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng và sự phát triển chung toàn cầu.
Trong bối cảnh sự phát triển kinh tế chậm lại trong năm qua và sự kết nối của chuỗi cung ứng toàn cầu đối diện với nhiều gián đoạn, năm 2020 được kỳ vọng là năm đưa kinh tế thế giới trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Những rủi ro địa chính trị và xung đột thương mại vẫn sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất khiến tình hình xấu đi, nhưng với sự chủ động của các chính phủ và chung tay của cộng đồng quốc tế, kinh tế thế giới có triển vọng phục hồi.