Nhìn lại bức tranh châu Âu năm 2019, với sự lạc quan “khiêm tốn” bởi quan hệ Nga-Ukraine có những dấu hiệu tan băng và quan hệ EU-Nga có phần được cải thiện.
Tuy nhiên, những biến số mới khó lường lại nảy sinh bởi quan hệ Anh - EU trước nguy cơ “Brexit cứng” và quan hệ Mỹ - EU trước đòn trừng phạt Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” của Mỹ,... khiến giới phân tích và dư luận thế giới không khỏi quan ngại cho khu vực khi thế giới bước sang năm 2020.
Từ dấu hiệu tan băng...
Năm 2019, quan hệ Nga - Ukraine có dấu hiệu tan băng khi hai nước tiến hành trao đổi tù nhân và xúc tiến tổ chức các cuộc đối thoại. 70 tù nhân đã được Nga và Ukraine trao trả. Đây là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa hai nước. Tổng thống Ukraine V.Zelensky khẳng định, đây là bước tiến trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại miền Đông Ukraine. Tổng thống Nga V.Putin đánh giá thỏa thuận trao đổi tù nhân là “một bước đi lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ” giữa Moscow và Kiev.
Quân đội Ukraine và phe ly khai đã thực hiện giai đoạn rút quân cuối cùng. Nga, Ukraine và phe ly khai đã thống nhất lộ trình cho phép thiết lập tình trạng đặc biệt cho lãnh thổ ly khai nếu họ tiến hành bầu cử tự do, công bằng theo hiến pháp Ukraine.
Những động thái của Nga và Ukraine ngay lập tức nhận được phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Đức A.Merkel hoan nghênh việc trao đổi tù nhân giữa hai bên, coi đây là “dấu hiệu của niềm hy vọng”. Bà A.Merkel cũng kêu gọi các bên thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 2015 mà Pháp và Đức đóng vai trò trung gian. Tổng thống Mỹ D.Trump gọi đây là một tin tốt lành và hy vọng về một bước tiến mới cho “hòa bình”.
Hội nghị thượng đỉnh 4 bên giữa Nga, Pháp, Đức và Ukraine hay còn gọi là “Bộ tứ Normandy” diễn ra tại Paris (Pháp) tháng 12/2019, đã có bước tiến mới đáng ghi nhận. Theo đó, các bên thống nhất thực hiện đầy đủ lệnh ngừng bắn và rút quân khỏi miền Đông Ukraine. Một cuộc trao đổi tù nhân mới giữa chính phủ Ukraine và phe ly khai dự kiến sẽ diễn ra cuối năm.
Thông cáo ngày 9/12/2019 ghi rõ: “Các bên cam kết thực hiện đầy đủ và toàn diện lệnh ngừng bắn, được củng cố bằng việc thực hiện tất cả biện pháp hỗ trợ ngừng bắn cần thiết trước khi kết thúc năm 2019”. Theo đó, ba khu vực xung đột ở miền Đông Ukraine cũng sẽ đạt thỏa thuận để các bên tiến hành kế hoạch rút quân mới cho đến tháng 3/2020.
Đến quan hệ “nồng ấm”...
Theo giới quan sát, quan hệ Nga - EU cũng được cải thiện bởi quan hệ giữa Nga và Đức - một trong những quốc gia đầu tàu trong EU trở nên “nồng ấm” hơn kể từ năm 2018, khi Tổng thống Nga V.Putin hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel về Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vấn đề hòa bình tại Syria, tình hình Ukraine..., kết quả đáng ghi nhận nhất là sáng kiến về cơ chế đối thoại 4 bên.
Tổng thống Nga V.Putin, hồi tháng 8/2019 đã có chuyến thăm Cộng hòa Pháp. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp E.Macron đã trao đổi về việc bảo đảm an ninh tại châu Âu và hợp tác giữa Nga và EU, Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), cuộc khủng hoảng tại Syria, Ukraine, Lybia, chống khủng bố và an ninh mạng... Cuộc gặp không chỉ là cơ hội tốt để phát triển quan hệ song phương giữa hai nước, mà còn phát đi tín hiệu hòa giải giữa Nga và EU.
Tổng thống Pháp E.Macron tuyên bố “sẵn sàng cùng Nga nghiên cứu định hình cấu trúc an ninh giữa Nga và châu Âu”, đồng thời khẳng định Pháp đang tìm cách “hồi sinh” lòng tin giữa EU và Nga. Theo ông Macron nếu xung đột Ukraine được giải quyết, thì Nga có thể tái gia nhập nhóm nước có nền công nghiệp phát triển (G8).
Trước đó, vào tháng 6, Thủ tướng Nga D.Medvedev thăm Pháp, hội đàm với người đồng cấp Pháp E.Philippe. Nhiều cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước được khôi phục, trong đó có Ủy ban hợp tác an ninh và Ủy ban hợp tác kinh tế, tài chính, công nghiệp và thương mại.
Việc củng cố mối quan hệ với Nga khiến cho vai trò của Pháp như một “đầu tàu” trong EU càng trở nên nổi bật. Trong khi đó, đối với Nga, việc cải thiện mối quan hệ với Pháp càng mở rộng thêm cánh cửa để Nga “hạ nhiệt” căng thẳng với EU, tạo cơ hội cho hai bên xóa bỏ bất đồng để cùng đương đầu những thách thức chung ở châu Âu. Hiện Nga đã tăng cường quan hệ song phương với hầu hết các thành viên EU. Vì thế, đây là cơ hội tốt để ban lãnh đạo mới của EU tái khởi động quan hệ với Nga.
Và vẫn còn những biến số khó lường
Theo giới quan sát, sự phân hóa nội tình EU có dấu hiệu gia tăng. Theo đó, các đảng theo đường lối dân túy, cực hữu,... giành được kết quả quan trọng. Khối đảng Nhân dân châu Âu (EEP) và Liên minh tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) không còn giữ được vị thế độc tôn, khiến cho quá trình ra các quyết định lập pháp trở nên khó khăn hơn.
Với chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson tại Vương quốc Anh đã dọn đường cho Brexit đúng hạn vào 31/1/2020. Nếu kịch bản “Brexit cứng” xảy ra thì quyền đi lại tự do đối với công dân các nước EU sẽ bị chấm dứt. Đường biên giới cứng với Cộng Hòa Ireland sẽ tái lập. Khả năng va chạm tại vùng biển nước Anh rất dễ xảy ra.
Trong bối cảnh “Brexit cứng” có thể xảy ra, Mỹ không mặn mà với vai trò đầu tàu NATO. Ngày 17/12/2019, Thượng viện Mỹ lại bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty làm việc với đường ống dẫn khí đốt của Nga, vì cho rằng Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp Nga thu được hàng tỷ USD và gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Moscow tại châu Âu. Lệnh trừng phạt này đã được Tổng thống Trump ký phê chuẩn ngày 21/12, khiến lợi ích của EU đã bị Mỹ can thiệp trực tiếp.
Chủ trương phát triển các quốc gia thành viên của EU theo nhiều tốc độ để đối phó với tình trạng trì trệ hiện nay cũng bị các nước Đông Âu mới gia nhập EU phản đối vì họ lo ngại các quốc gia thuộc Eurozone có thể hội nhập nhanh chóng và bỏ các thành viên khác ở lại phía sau. Chương trình phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của EU nhằm hỗ trợ những nước như Italia và Hy Lạp cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nước thành viên Đông Âu và Trung Âu.
Ngoài ra, châu Âu còn phải đối mặt với các thách thức khác như, mâu thuẫn giữa chủ trương xây dựng Quân đội châu Âu với Liên minh NATO; việc xử lý các mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và việc trở về châu Âu của hàng trăm tù nhân IS từ Syria, Iraq...
Như vậy, với những nhân tố tiền an ninh năm 2019, thế giới sẽ phải tiếp tục chứng kiến những biến động phức tạp, khó lường ở khu vực châu Âu, bởi cuộc chiến cạnh tranh và đấu tranh, nhằm giữ và giành ngôi vị, lợi ích trong một trật tự toàn cầu mới đang định hình. Vì thế, giới chuyên gia dự báo, trong khi bức tranh an ninh toàn cầu năm 2020 “không mấy tươi sáng” thì bức tranh khu vực châu Âu vẫn đậm gam mầu xám rất khó đoán định là có cơ sở./.