Ngày 24-1, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chính thức ký thỏa thuận Brexit và đánh giá đây là một “thời khắc tuyệt vời” của “quốc đảo sương mù”.
Theo ông Johnson, thỏa thuận Brexit mà ông vừa ký tại Phố Downing sẽ chấm dứt nhiều năm “tranh cãi và chia rẽ” tại Anh và tạo ra sự thay đổi tích cực cho đất nước.
“Bây giờ chúng ta có thể tiến về phía trước với tư cách là một quốc gia có chính phủ tập trung cung cấp dịch vụ công tốt hơn, tạo ra cơ hội tuyệt vời hơn và thúc đẩy tiềm lực trong mọi lĩnh vực của Vương quốc Anh, đồng thời xây dựng mối quan hệ mới mạnh mẽ với những người bạn Liên hiệp châu Âu (EU) cũng như chủ quyền bình đẳng”, ông Johnson nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong một tuyên bố ngắn cho biết: “Mọi việc chắc chắn sẽ thay đổi nhưng tình hữu nghị của chúng ta (EU và Anh) sẽ vẫn được duy trì. Chúng ta sẽ bắt đầu một chương mới như những đối tác và đồng minh của nhau”.
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo trên Twitter rằng: “Ông Michel và tôi vừa ký thỏa thuận về việc Anh rút khỏi EU, mở đường cho Nghị viện châu Âu phê chuẩn thỏa thuận này”.
Thỏa thuận Brexit gồm gần 600 trang, trong đó đề cập đến quyền công dân, nghĩa vụ tài chính của Anh với EU, đường biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland... Theo thỏa thuận Brexit, từ nay cho đến cuối năm 2020, Anh sẽ vẫn là thành viên của thị trường đơn nhất và liên minh thuế quan của EU, song không giữ vị trí trong các cơ quan đưa ra quyết định của khối này.
Dự kiến, vào ngày 29-1 tới, văn kiện về Brexit sẽ được đưa ra phê chuẩn tại Nghị viện châu Âu. Ngày 30-1, giới ngoại giao của các quốc gia thành viên EU sẽ tiến hành bỏ phiếu về nghị quyết này. Sau khi các thủ tục liên quan đến thỏa thuận Brexit được hoàn tất, Anh sẽ rời EU vào ngày 31-1-2020 và bắt đầu đàm phán với EU về mối quan hệ trong tương lai của hai bên.