Trong cuộc họp báo diễn ra chiều 24-2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, COVID-19 đã đạt đỉnh tại Trung Quốc và WHO không đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay là đại dịch. Tuy nhiên, WHO bày tỏ quan ngại sâu sắc về số ca bệnh tăng đột ngột tại Italy, Iran và Hàn Quốc.
Dịch COVID-19 đã đạt đỉnh tại Trung Quốc
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trước đó cùng ngày, đoàn công tác chung của WHO và Trung Quốc đã tới một số tỉnh khác nhau của Trung Quốc, trong đó có TP Vũ Hán. Đoàn công tác đã tìm hiểu nhiều về khả năng lây bệnh của chủng virus corona mới, mức độ nghiêm trọng của COVID-19 và tác động của các biện pháp đã được thực hiện. Qua đó, các chuyên gia nhận thấy, dịch bệnh đã đạt đỉnh, giữ nguyên mức độ từ ngày 23-1 đến 2-2 và giảm dần kể từ đó. Cũng theo đoàn công tác, không có thay đổi đáng kể trong DNA của virus.
Theo nhóm chuyên gia, tỷ lệ tử vong tại Vũ Hán là 2-4%, con số này ở các khu vực khác dừng lại ở mức 0,7%. Đối với người nhiễm bệnh nhẹ, thời gian phục hồi là khoảng hai tuần, trong khi người bệnh trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch thì cần khoảng 3-6 tuần để hồi phục. Đoàn công tác cũng đánh giá, các biện pháp được triển khai tại Trung Quốc đã ngăn chặn số lượng lớn ca nhiễm bệnh.
Tổng Giám đốc WHO thông báo, ngày 25-2, Tiến sĩ Bruce Aylward sẽ thay mặt đoàn công tác chung của WHO và Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về chuyến công tác vừa qua tại các tỉnh của Trung Quốc.
WHO không đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay là đại dịch
Theo WHO, bên ngoài Trung Quốc, thế giới đã ghi nhận 2.074 ca bệnh tại 28 quốc gia và 23 trường hợp tử vong. Ông Ghebreyesus bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc số ca bệnh tăng đột ngột tại Italy, Iran và Hàn Quốc.
Ông cũng thừa nhận có nhiều suy đoán về việc sự gia tăng này có đồng nghĩa với việc dịch bệnh đã trở thành đại dịch hay không và WHO hiểu vì sao nhiều người đặt ra câu hỏi đó. WHO đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, tức là mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này, từ khi có ít hơn 100 ca bệnh bên ngoài Trung Quốc và tám ca lây bệnh từ người sang người.
Ông Ghebreyesus khẳng định, quyết định của WHO về việc sử dụng từ “đại dịch” để mô tả dịch bệnh hiện nay còn dựa vào kết quả đánh giá liên tục về sự lây lan của virus về mặt địa lý, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và tác động của nó đối với toàn xã hội.
Vào thời điểm này, WHO không nhận thấy chủng mới của virus corona lây lan mất kiểm soát trên toàn cầu và các trường hợp mắc bệnh nặng hay các ca tử vong đều không xuất hiện trong phạm vi lớn. “Liệu loại virus này có nguy cơ gây ra đại dịch? Hoàn toàn có. Chúng ta đã ở mức độ đó chưa? Theo đánh giá của chúng tôi thì chưa”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.
Đánh giá tình hình COVID-19 hiện nay, WHO nhận thấy bệnh dịch xuất hiện tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, ảnh hưởng đến các quốc gia thông qua nhiều con đường khác nhau và đòi hỏi cần có biện pháp ứng phó phù hợp.
“Sử dụng từ đại dịch không phù hợp với thực tế và có thể gây ra cảm giác lo sợ. Bây giờ không phải lúc chúng ta tập trung vào từ ngữ. Nó sẽ không ngăn chặn được ca nhiễm bệnh hoặc cứu được mạng sống nào hôm nay. Đây là lúc để tất cả các quốc gia, cộng đồng, gia đình và từng cá nhân tập trung vào công tác chuẩn bị ứng phó dịch bệnh”, ông Ghebreyesus lưu ý. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải tập trung ngặn chặn, đồng thời làm mọi việc có thể để chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát đại dịch”.
Ba ưu tiên của WHO
Tổng Giám đốc WHO cho rằng, không có cách tiếp cận chung phù hợp cho cả thế giới, do đó các nước cần tự đánh giá rủi ro trong phạm vi của mình. WHO đang tiếp tục độc lập đánh giá rủi ro và giám sát chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, WHO đã đặt ra ít nhất ba ưu tiên để đẩy lùi dịch bệnh. Thứ nhất, mọi quốc gia phải ưu tiên bảo vệ nhân viên y tế. Thứ hai, chúng ta phải cùng các cộng đồng bảo vệ những người có nguy cơ nhiễm bệnh nặng nhất, đặc biệt là người cao tuổi và người có tình trạng sức khỏe dưới mức bình thường. Thứ ba, chúng ta phải bảo vệ các nước dễ bị ảnh hưởng nhất bằng cách cố gắng hết sức để ngăn chặn dịch bệnh tại các quốc gia có năng lực kiểm soát dịch bệnh.