Pháp điều máy bay thứ hai đến Trung Quốc đưa công dân Pháp và châu Âu hồi hương

09:21, 03/02/2020

Vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 2-2, chiếc máy bay thứ hai của Pháp được điều đến Vũ Hán (Trung Quốc) để hồi hương công dân Pháp và châu Âu chở theo 258 người, trong đó có công dân Pháp và 29 quốc tịch khác nhau, đã hạ cánh xuống căn cứ quân sự ở Istres, tỉnh Bouches-du-Rhône, miền nam nước Pháp.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves le Drian cho biết: "Có rất nhiều người châu Âu, họ gồm 29 quốc tịch khác nhau và 65 người Pháp. Chúng tôi nhận trách nhiệm chia sẻ và đoàn kết với người châu Âu. Phần lớn trong số họ được đưa trở lại đất nước họ ngay sau khi đến Pháp".

Ông Drian đã hoan nghênh nhà chức trách Trung Quốc hỗ trợ tích cực giúp cho các công dân Pháp muốn rời khỏi nước này.

Theo kênh 3 truyền hình Pháp, một số người sẽ được chuyển đến Trường cứu hỏa Quốc gia ở Aix-en-Provence, 41 người khác đến Carry-le-Rouet, nơi đang cách ly số người hồi hương từ chuyến bay trước đó.

45 người sẽ đáp máy bay tới sân bay quân sự gần Brussels (Bỉ). 88 người khác sẽ được sơ tán bằng máy bay về nước họ.

Trước đó Pháp đã điều một máy bay đến Trung Quốc đưa 182 công dân nước này, gồm người lớn và trẻ em, hồi hương. Tất cả số người này được đưa đến Trung tâm nghỉ dưỡng ở Carry-le-Rouet, cách thành phố Marseille khoảng 30 km, để cách ly trong 14 ngày.

Đội ngũ y tế chăm sóc y tế khoảng 20 người, bao gồm bác sĩ, y tá và nhà tâm lý học. Hỗ trợ cho họ người lính đến từ các đơn vị an ninh dân sự của Pháp và 30 tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ-chủ yếu chăm sóc hậu cần.

Những người cách ly sẽ được theo dõi, lấy nhiệt độ hai lần một ngày. Nếu trường hợp nhiễm bệnh xảy ra, bệnh nhân sẽ được chuyển ngay đến Bệnh viện Méditerranée (IHU), ở La Timone, Marseille.

Hiện tại, không có ai trong số người cách ly có triệu chứng nhiễm virus corona mới. Hai trường hợp tình nghi xét nghiệm cho kết quả âm tính.

Đến nay, châu Âu đã có 16 trường hợp nhiễm virus corona được xác nhận, bao gồm: Pháp sáu trường hợp, Đức có năm trường hợp, hai trường hợp ở Ý và một ở Phần Lan.

Pháp và Đức đã tìm cách trấn an người dân rằng việc xử lý nhanh chóng các trường hợp nhiễm bệnh cho thấy hệ thống ứng phó khẩn cấp quốc gia có hiệu quả. Các nước khác như Anh, Ý, Romani đã tổ chức các cuộc họp trong tuần qua để bảo đảm rằng, nếu virus corona lây lan sang lãnh thổ của họ đã có biện pháp đối phó. Trong khi đó, trước nguy cơ dịch bệnh, hôm thứ sáu tuần trước Ý đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài sáu tháng.