Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định gia hạn lệnh trừng phạt Nga

20:09, 26/02/2020

Hãng tin TASS của Nga sáng 26-2 đưa tin từ Washington cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt chống Nga, vốn được áp đặt từ năm 2014 liên quan tình hình ở Ukraine. Điều này cũng đã được công bố chính thức tại Nhà Trắng, Mỹ, trong ngày 25-2.

Trong tuyên bố của mình, lý giải việc tiếp tục gia hạn trừng phạt Nga thêm một năm, Tổng thống Trump nói: “Các hành động và chính sách, được đề cập trong các lệnh trừng phạt này, vẫn tiếp tục tạo ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Vì vậy, tôi quyết định gia hạn một năm các biện pháp trừng phạt, cấm vận này, theo Sắc lệnh số 13660”.

Căn cứ các tài liệu được công bố, Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp hạn chế đối với Nga, vốn được chính quyền hiện tại áp đặt từ ngày 20-9-2018, và chính quyền của Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama tuyên bố thực thi trong ba đợt, vào các ngày 6-3, ngày 16-3 và ngày 19-12-2014 tại Crimea. Tổng thống Trump kết luận “tất cả các biện pháp trừng phạt này nên có hiệu lực sau ngày 6-3-2020”.

Mỹ bắt đầu áp đặt biện pháp trừng phạt chống Nga liên quan các sự kiện ở Ukraine và việc Nga đồng ý sáp nhập Crimea vào tháng 3-2014. Chịu sự trừng phạt cấm vận này của Mỹ là một số ngân hàng, công ty Nga, các doanh nhân hàng đầu, cũng như các quan chức cấp cao của Nga, chính phủ của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, cùng lãnh đạo hai nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng. Đây là hai khu vực thuộc Ukraine, có đông người Nga sinh sống và đòi tách ra độc lập. Ngoài ra, Mỹ cũng cấm mọi hành động “xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của Mỹ cho Crimea”. Đầu tư của Mỹ vào bán đảo này cũng bị coi là trái pháp luật. Và kể từ năm 2014 đến nay, các lệnh trừng phạt này liên tục được áp đặt, nhiều lần được mở rộng và gia hạn.

Quan hệ giữa Nga, Mỹ và các nước phương Tây trở nên xấu đi liên quan tình hình Ukraine và Crimea, khu vực thuộc Ukraine và đã trở thành lãnh thổ của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3-2014. Phương Tây cáo buộc Nga can thiệp các vấn đề nội bộ của Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Moscow cũng đã áp dụng các biện pháp đáp trả, liên tục bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố rằng, việc nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ trừng phạt là phản tác dụng. Thời gian gần đây, tại các quốc gia phương Tây, xuất hiện ngày càng nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga. Trong khi đó, Nga cũng chủ trương vận dụng khéo léo tình hình thực tế để thoát khỏi “cuộc chiến” trừng phạt cấm vận theo hướng đôi bên cùng có lợi.