Ngày 10/2, hãng thông tấn NHK của Nhật Bản dẫn báo cáo từ Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ ở Nam Cực vừa tăng lên mức cao kỷ lục mới, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những kịch bản tác động đến đời sống con người khi mực nước biển tiếp tục dâng cao.
Theo cơ quan phụ trách mảng thời tiết của Liên hợp quốc, mức nhiệt 18,3 độ C đã được phát hiện ở mũi phía Bắc của bán đảo Nam Cực vào ngày 6/2, tăng gần 1 độ C so với mức nhiệt cao kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 24/3/2015 là 17,5 độ C.
Giới khoa học cho rằng, đây là kết quả từ hiện tượng “phơn” trong khu vực, hay do sự nóng lên nhanh chóng của dòng khí khi chạy qua sườn dốc hoặc một ngọn núi. Dự kiến, các chuyên gia của WMO sẽ đưa ra đánh giá chính thức về mức nhiệt kỷ mục mới ghi nhận được ở Nam Cực, thông qua việc phân tích đầy đủ dữ liệu về các điều kiện khí tượng.
Theo lý giải của WMO, bán đảo Nam Cực, có vị trí địa lý gần Nam Phi – vốn là một trong những khu vực có nền nhiệt tăng nhất trên trái đất. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tại đây đã tăng lên khoảng 3 độ C, kéo theo khoảng 87% các con sông băng dọc bờ biển phía Tây của bán đảo Nam Cực đã bị tan chảy. Đáng quan ngại là hiện tượng này đã được ghi nhận là có dấu hiệu “tăng tốc” trong 12 năm qua.
Các nhà khoa học cho biết, dải băng của Nam Cực có bề dày 4,8 km và chứa tới 90% lượng nước ngọt của thế giới. Việc dải băng này bị tan chảy sẽ khiến mực nước biển dâng lên khoảng 60m.
Kết quả của các công trình nghiên cứu từ năm 2012 cho thấy, sự ấm lên của tại Nam Cực đang đạt ngưỡng “chưa từng có tiền lệ” trong vòng 2000 năm qua.
Trong khi đó, các số liệu thu thập được cũng đã chỉ ra rằng, từ năm 1957 trở lại đây, cứ 1 thập kỷ trôi qua thì nhiệt độ trung bình của Nam Cực lại tăng 0,5 độ C. Tỷ lệ tan chảy từ 5 con sông băng ở Nam Cực đã tăng gấp đôi trong 6 năm qua và nhanh hơn 5 lần so với những năm 1990./.