Các dự báo cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế và mất việc làm do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra sẽ nghiêm trọng hơn cuộc suy thoái do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ông Azevedo nói rằng dịch COVID-19 chắc chắn sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế và thương mại của thế giới cũng như việc làm và cuộc sống của người dân và mặc dù chưa có dự báo cụ thể song các nhà kinh tế của WTO dự kiến "hoạt động thương mại sẽ sụt giảm rất mạnh".
Tuy vậy, ông Azevedo cho hay các nước có thể thực hiện các biện pháp quan trọng để hạn chế thiệt hại kinh tế ngay lập tức và tạo cơ sở cho sự phục hồi dài hạn, đồng thời hối thúc các nước hợp tác để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Azevedo đánh giá các biện pháp kích thích kinh tế mà chính phủ các nước đưa ra là "tích cực", đồng thời kêu gọi các thành viên WTO minh bạch và chia sẻ thông tin.
Ngoài ra, ông Azevedo nhấn mạnh cần phải có một phản ứng toàn cầu để giải quyết thách thức toàn cầu do dịch COVID-19 và cho rằng "không có một quốc gia nào có thể tự cho dù có mạnh mẽ hay phát triển đến đâu”.
Ngày 26/3, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ đẩy nền kinh tế Anh và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào suy thoái trong năm 2020.
Trong báo cáo, S&P cho biết nền kinh tế Anh và Eurozone đều đối mặt với nguy cơ giảm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 2%, tương đương 420 tỉ euro (460 tỉ USD).
Hãng trên đồng thời dự báo GDP của Eurozone sẽ giảm tới 10% trong năm nay nếu các biện pháp phong tỏa hiện tại kéo dài trong 4 tháng.
Tuy nhiên, cơ quan trên dự báo hai nền kinh tế này sẽ dần phục hồi ở mức ít nhất 3% vào năm 2021, đồng thời nhấn mạnh rằng "những chính sách quyết liệt và nhanh chóng đang được áp dụng hiện nay rất quan trọng để tránh những thiệt hại lâu dài đối với GDP sau này".
Cũng theo S&P, nền kinh tế Italy có thể suy giảm 2,6% trong năm nay, trong khi kinh tế Tây Ban Nha có thể giảm 2,1%, kinh tế Đức giảm 1,7% và kinh tế Pháp giảm 1,7%.
Cùng ngày, Viện Nghiên cứu kinh tế (WIFO) và Viện nghiên cứu IHS của Áo dự báo, trong năm 2020, nền kinh tế nước này có nguy cơ suy giảm ít nhất 2,5% nếu biện pháp hạn chế đi lại do dịch COVID-19 được dỡ bỏ từng phần vào cuối tháng Tư tới.
Sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã khiến 3 tỉ người trên thế giới buộc phải ở nhà. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo biện pháp hạn chế đi lại này của chính phủ các nước có thể gây ra cuộc suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử thế giới cận đại.