Thống kê số người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tới tối 12-4, tiếp tục giảm nhưng vẫn ở mức cao, vì vậy, Chính phủ Pháp chưa tính tới việc nới lỏng các biện pháp ngăn chặn dù các hoạt động kinh tế đang bị đình trệ. Tối nay, Tổng thống Pháp sẽ đưa ra quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa, rất có thể thêm cả tháng nữa, cũng như giải pháp phục hồi trên tất cả các lĩnh vực.
Theo Bộ Y tế Pháp, tổng số ca tử vong trong các bệnh viện và nhà dưỡng lão đã lên tới 14.393 và 6.845, tăng 1.204 trường hợp trong hai ngày 11 và 12-4. Hiện có 6.845 bệnh nhân đang được điều trị tích cực, vẫn ở mức rất cao dù giảm liên tục trong tuần qua.
Trước bệnh dịch tiếp tục hoành hành khó lường, Bộ Y tế Pháp tiếp tục đưa ra cảnh báo, khó có thể khẳng định tình hình sẽ giảm nhiệt mạnh trong những ngày tới. Vì vậy, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan phải tiếp tục được duy trì. Số người được chữa khỏi và mới nhập viện vẫn chưa có sự chênh lệnh lớn, do đó, áp lực đối với các bệnh viện còn rất căng thẳng.
Nguồn cung cấp khẩu trang cho các nhân viên y tế ở Pháp vẫn còn hạn chế.
Ngành công nghiệp và nông nghiệp lo lắng
Sau gần một tháng đình trệ, hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp chỉ ở mức độ cầm chừng vì không có lao động. Bộ trưởng Lao động Pháp Muriel Pénicaud cho biết, đã có tới 8 triệu người và hơn 700 nghìn doanh nghiệp đăng ký hưởng chế độ thất nghiệp tạm thời. Trong số này, có hơn 1/3 thuộc khu vực tư nhân. Dù thiệt hại kinh tế và bội chi ngân sách rất lớn, Chính phủ Pháp vẫn quyết định kéo dài thời hạn của lệnh phong tỏa để dập dịch gấp đôi so dự kiến ban đầu là nới lỏng vào ngày 31-3.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Le Parisien số ra chủ nhật vừa rồi, Chủ tịch Liên minh các ngành công nghiệp và luyện kim Philippe Darmayan cho rằng, ngành công nghiệp Pháp sẽ gặp "nguy hiểm" nếu mất quá nhiều thời gian để khởi động lại. Ông cho biết: Sau 24 ngày phong tỏa, chúng tôi đang ở trong một tình huống vô cùng lo ngại. Hoạt động sản xuất ô-tô đã giảm tới 80%. Ngành hàng không gần như "đứng yên", còn ngành thép cũng chỉ duy trì 20%. Nếu tiếp tục như vậy, sẽ xảy ra hàng loạt vụ phá sản.
Chính phủ Pháp muốn tăng cường sản xuất trong nước, sớm chủ động nguồn cung cấp thiết bị y tế chống dịch. Tuy nhiên, tình trạng hoạt động cầm chừng cũng như sự hạn chế hàng xuất nhập khẩu của ngành công nghiệp khiến cho việc tăng tốc sản xuất khó đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do mỗi doanh nghiệp thường chỉ chuyên về một lĩnh vực như giấy, nhựa, vải để tạo ra các sản phẩm phục vụ ngành y tế. Vì vậy, ông Philippe Darmayan cho rằng, việc tăng sản xuất có thể thực hiện được bằng cách tăng nhân công, đồng thời áp dụng các biện pháp chống dịch như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và khử trùng.
Ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng rất lớn vì thiếu nhân công thu hoạch vụ mùa hiện nay và mức tiêu thụ hàng nông sản đã giảm đáng kể. Ngày 12-4, Bộ trưởng Nông nghiệp Didier Guillaume đề nghị chính quyền thành phố trên toàn nước Pháp xem xét việc áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, tăng cường hoạt động cho thị trường thực phẩm. Theo đó, chợ ngoài trời và nhà hàng có thể hoạt động trở lại với điều kiện tuân thủ các tiêu chuẩn y tế chống dịch.
Có 31.826 mắc COVID-19 đang được điều trị trong bệnh viện ở Pháp, tăng 506 ca so với ngày 11-4.
Chờ quyết định của Tổng thống
Dự kiến tối nay, 13-4, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trên truyền hình. Nội dung được người dân Pháp quan tâm nhất là thời hạn kéo dài lần thứ 2 của lệnh hạn chế di chuyển cũng như các biện pháp chống dịch, ổn định hoạt động trên các lĩnh vực.
Nước Pháp đình trệ nghiêm trọng kể từ ngày 17-3, dồn sức cho việc cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19 và ngăn đà lây lan của bệnh dịch. Tình hình tại các bệnh viện, nhất là ở hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm vùng thủ đô Ile-de-France và Grand Est ở phía đông, có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên, số người đang được điều trị còn rất lớn và chưa có cơ sở để khẳng định dịch bệnh sẽ giảm mạnh trong những ngày tới.
Ngày 12-4, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BFM, Giáo sư Mekontso-Dessap, Trưởng khoa Hồi sức và cấp cứu tại Bệnh viện Henri Mondor ở thành phố Créteil thuộc ngoại ô Paris, cho rằng, diễn biến của bệnh dịch hiện nay cho thấy, việc gia hạn là cần thiết. Lý do là vì bệnh dịch còn chưa có dấu hiệu suy giảm mạnh, do đó, việc duy trì các biện pháp nghiêm ngặt trong thời gian tới là phù hợp để giảm hẳn sự lây lan của virus corona.
Giáo sư Philippe Montravers, Trưởng khoa Hồi sức gây mê tại Bệnh viện Bichat ở Paris, đã đưa ra cảnh báo rằng, "đỉnh dịch có thể tiếp diễn trong vài tuần và không có cơ sở để khẳng định sẽ suy giảm mạnh trong những ngày tới". Vì vậy, khả năng suy giảm của bệnh dịch phụ thuộc rất nhiều vào thời gian của lệnh hạn chế di chuyển cũng như việc tuân thủ các biện pháp rào cản.
Chưa có phương pháp điều trị hiệu quả và vaccine còn lâu mới có để tiêm chủng đại trà. Vì vậy, ông Christian Bréchot, nhà virus học, cựu Giám đốc Viện Pasteur và hiện là Chủ tịch Mạng lưới nghiên cứu virus toàn cầu, cũng cho rằng, ngăn chặn di chuyển và tiếp xúc vẫn là giải pháp tốt nhất bảo đảm an toàn sức khỏe.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến ngày 10-4, với các đối tác xã hội, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, hiện chưa phải lúc gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho mọi người, vì lệnh hạn chế di chuyển vẫn là cách tốt nhất để dập dịch. Hội đồng Khoa học còn tư vấn cho Tổng thống về việc thực hiện 6 tuần phong tỏa.
Chính phủ Pháp đã huy động các lực lượng và nguồn lực để chống dịch. Tuy nhiên, kết quả thăm dò do Viện Ifop công bố ngày 12-4, cho thấy, sự tin tưởng của người dân vào các xử lý khủng hoảng dịch tế và kinh tế của Chính phủ đang suy giảm.
Việc áp dụng biện pháp theo dõi và phòng ngừa sự lây lan thông qua ứng dụng điện thoại "StopCovid" cũng được báo chí Pháp đề cập liên tục trong mấy ngày qua. Theo đó, người sử dụng điện thoại cài đặt ứng dụng này để nhận cảnh báo nếu họ ở gần một người bị mắc COVID-19. Theo kết quả thăm dò ý kiến do Tổ chức nghiên cứu Jean Jaurès công bố ngày 11-4, đa số người Pháp (53%) phản đối giải pháp này. Kể cả việc cài đặt tự nguyện, số người ủng hộ cũng chỉ ở mức 46%, còn 9% đang cân nhắc. Biện pháp này cũng đang được Chính phủ Đức xem xét áp dụng vào cuối tháng 4 trên cơ sở tự nguyện.
Bệnh dịch vẫn chưa được kiểm soát, nhất là ở các nhà dưỡng lão, khu dân cư đông đúc. Tình trạng nhiễm virus đã lan tới các lực lượng của quân đội Pháp. Báo chí Pháp cho biết, tàu sân bay Charles-de-Gaulle đã phải khẩn cấp trở về Pháp sau khi có 50 trường hợp mắc COVID-19. Khoảng 1.900 thành viên trên tàu sẽ được xét nghiệm và cách ly trong vòng nửa tháng.
Pháp vẫn chưa thể tiến hành chiến lược dập dịch trên quy mô toàn quốc như xét nghiệm sàng lọc hàng loạt hay cách ly triệt để những người bị nhiễm. Các biện pháp chống dịch hiện vẫn tập chung vào việc hạn chế sự lây lan, có thể mất rất nhiều ngày cho tới khi dịch suy yếu hẳn. Việc áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà còn gây nhiều tranh cãi. Một số thành phố ra quyết định thực hiện biện pháp rào cản này nhưng Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp đã bác bỏ ngay.
Nếu tiếp tục hạn chế di chuyển, hoạt động kinh tế sẽ ngày càng đình trệ dù chưa có giải pháp an toàn tuyệt đối. Đợt bùng phát dịch thứ hai có thể xảy ra nếu không có biện pháp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả. Hàng loạt vấn đề cần giải quyết cùng lúc, từ việc khống chế dịch, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân, duy trì hoạt động kinh tế thiết yếu và động lực đủ mạnh để khôi phục sau khi bớt hẳn dịch bệnh. Quyết định "giải mã" dịch bệnh và ổn định đời sống kinh tế - xã hội sẽ được Tổng thống Pháp công bố trong tối nay.