Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 6-4, giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh sau khi cuộc họp thảo luận về cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+) bị hoãn đến ngày 9-4 tới. Theo đó, giá dầu thô WTI lao dốc 8% ngay đầu phiên giao dịch tại thị trường châu Á trước khi hồi phục và giao dịch ở mức 26,72 USD/thùng (thấp hơn 5,7% so với chốt phiên giao dịch trước).
Trong khi đó, giá dầu thô Brent cũng giảm 4,3% xuống mức 32,64 USD/thùng. Việc giá dầu thế giới giảm mạnh được cho là do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng các bên có thể sớm đạt đồng thuận nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu đang chao đảo do tác động của dịch COVID-19.
Thời gian qua, giá dầu mỏ giảm xuống mức thấp chưa từng có trong nhiều năm do tác động của dịch COVID-19 và cuộc chiến giá cả giữa Nga và A-rập Xê-út, thành viên chủ chốt của OPEC. Nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm mạnh sau khi các doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, các chính phủ áp đặt lệnh hạn chế đi lại và nhiều biện pháp khác nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
★ Tuần trước, giá dầu mỏ phục hồi từ mức thấp nhất trong 18 năm sau khi Tổng thống Mỹ Ð.Trăm cho biết, Ri-i-át và Mát-xcơ-va sẽ tìm cách tháo gỡ những mâu thuẫn và nhất trí sẽ cắt giảm mạnh sản lượng, ở mức khoảng 10 triệu thùng/ngày hoặc hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá thấp khả năng các bên sớm tìm được giải pháp và hoài nghi càng gia tăng sau khi cuộc họp giữa OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga, bị hoãn.
★ Ngày 5-4, Bộ trưởng Dầu mỏ Cô-oét A.Pha-hen cho biết, nước này ủng hộ lời kêu gọi của A-rập Xê-út nối lại cuộc đàm phán giữa OPEC và các đối tác thảo luận về cắt giảm sản lượng dầu mỏ dự kiến diễn ra vào ngày 9-4 tới, đồng thời hy vọng sẽ đạt được kết quả khả quan nhằm ổn định thị trường dầu thô.
Trước đó, A-rập Xê-út kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp giữa OPEC và các đối tác nhằm tìm giải pháp bình ổn thị trường. Tuy nhiên, nguồn tin từ OPEC cho biết, tổ chức dầu mỏ này và Nga đã lùi thời điểm tổ chức một cuộc họp trực tuyến để các nước có thể thêm thời gian thảo luận nhằm tìm kiếm đồng thuận, sau khi bất đồng gia tăng giữa A-rập Xê-út và Nga về nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh. Ðộng thái trên diễn ra bất chấp sức ép từ Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đối với OPEC và các nước đối tác về việc nhanh chóng ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.