Thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 10-4 đã trở thành khu vực đầu tiên ở đất nước vạn đảo thực hiện lệnh phong tỏa một phần nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong bối cảnh TP trở thành tâm điểm bùng phát dịch bệnh và chiếm hơn nửa số ca tử vong vì COVID-19.
Thống đốc Jakarta Anies Baswadan đã hối thúc tất cả người dân ở trong nhà trong vòng ít nhất 14 ngày, từ bỏ tất cả các hoạt động ngoài trời để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Chính quyền đặc khu thủ đô Jakarta thực hiện lệnh phong tỏa một phần sau khi nhận được sự chấp thuận của Bộ Y tế Indonesia hồi tuần trước.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9-4, Thống đốc Anies nói: “Mục đích của chúng tôi không phải là yêu cầu tất cả mọi người ở trong nhà, mà để cứu mạng sống của tất cả chúng ta, của gia đình chúng ta, của hàng xóm và đồng nghiệp của chúng ta và để kiểm tra sự lây lan của virus (SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19)”.
Người đứng đầu đặc khu thủ đô Jakarta cho biết, theo quy định này, từ ngày 10-4, tất cả các công ty phải ngừng hoạt động tại văn phòng và cho nhân viên làm việc từ nhà. Tất cả các văn phòng phải theo quy định này, trừ các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế và ngoại giao, các doanh nghiệp nhà nước và của thành phố. Các cơ sở bán đồ ăn vẫn được phép mở cửa nhưng phục vụ theo hình thức mang đi, không được phục vụ tại chỗ.
Quy định này cũng hạn chế người dân di chuyển bằng việc giới hạn thời gian hoạt động của các phương tiện công cộng và lưu lượng giao thông trong khu vực thủ đô Jakarta. Đồng thời, tất cả người dân ra đường phải đeo khẩu trang, chỉ sử dụng phương tiện giao thông để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Quy định nêu rõ, nếu ai vi phạm có thể đối mặt với án tù một năm và bị phạt lên tới 100 triệu Rp (6.342 USD) theo Luật Cách ly Y tế 2018.
Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, tính đến hết ngày 9-4, Indonesia hiện là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Á bên ngoài Trung Quốc với 280 ca trong tổng số 3.293 ca nhiễm COVID-19.
Thủ đô Jakarta vẫn là khu vực tâm điểm bùng phát dịch khi nghi nhận 1.706 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 142 ca tử vong.
* Trong sáng 10-4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Phát triển Con người Indonesia Muhadjir Effendy thông báo, chính phủ nước này đã quyết định dời kỳ nghỉ lễ Idul Fitri tới ngày 28 đến 31-12 trong bối cảnh quan ngại các cuộc hồi hương trước kỳ nghỉ lễ sẽ làm bùng phát dịch COVID-19.
Kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần Idul Fitri được coi là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm tại quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới này. Năm nay, tháng lễ Ramadan dự kiến diễn ra từ 23-4 đến 23-5, do đó kỳ nghỉ lễ Idul Fitri dự kiến diễn ra trong khoảng 26 đến 29-5.
Nhà chức trách Indonesia ước tính có khoảng 20 triệu người dân, đặc biệt là những người sống ở các thành phố lớn, trở về quê để hưởng kỳ nghỉ lễ dài bên gia đình sau tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia y tế về nguy cơ lây lan COVID-19.
Malaysia kéo dài lệnh phong tỏa đến 28-4
Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin ngày 10-4 đã thông báo Lệnh kiểm soát đi lại (MCO) đang được thực hiện sẽ kéo dài thêm hai tuần nữa cho tới ngày 28-4. Thông báo này được Thủ tướng Malaysia tuyên bố trực tiếp trên truyền hình vào ngày hôm nay.
Thủ tướng Yassin cho biết, theo cố vấn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế, chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện MCO thêm hai tuần nữ. Điều này tạo điều kiện cho các nhân viên y tế kiểm soát và khống chế được sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng.
Thủ tướng Malaysia cho biết thêm, việc kéo dài thời gian thực hiện lệnh phong tỏa cũng theo quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới, hối thúc các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19 dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại.
Hôm 25-3, Thủ tướng Malaysia đã tuyên bố giai đoạn đầu thực hiện lệnh phong tỏa đất nước trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của COVID-19. Theo dự kiến lệnh này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 31-3, song diễn biến phức tạp của COVID-19 trong nước đã khiến chính phủ Malaysia quyết định kéo dài lệnh đến ngày 14-4.
Cho đến nay, Malaysia hiện là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất Đông- Nam Á với hơn 4.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 60 ca tử vong.
Singapore yêu cầu ngừng sử dụng ứng dụng họp trực tuyến Zoom
Trong một diễn biến khác, ngày 10-4, Bộ Giáo dục Singapore thông báo đã đình chỉ việc sử dụng ứng dụng họp trực tuyến Zoom đối với các giáo viên, sau khi xảy ra những sự cố nghiêm trọng liên quan đến ứng dụng này. Các trường học tại Singapore đang áp dụng hình thức học trực tuyến, sau khi quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan COVID-19.
Sau khi nhận được báo cáo về sự cố, này, Bộ Giáo dục Singapore đang tiến hành điều tra và sẽ báo lên cảnh sát nếu được xác nhận. Để phòng ngừa, các giáo viên Singapore sẽ ngừng việc sử dụng ứng dụng Zoom cho đến khi các vấn đề an ninh được giải quyết. Nhà chức trách Singapore sẽ khuyến nghị giáo viên thực hiện các biện pháp bảo mật như đăng nhập an toàn, hay không chia sẻ link các buổi học cho những người ngoài lớp.