Ngày 21-4, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, trong tuần này Italy sẽ công bố kế hoạch dần mở cửa trở lại từ ngày 4-5 tới. Cùng ngày, Đan Mạch cũng thông báo kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội.
Lệnh phong tỏa có hiệu lực tại Italy từ ngày 9-3, theo đó phần lớn hoạt động kinh tế phải tạm ngừng diễn ra và người dân nước này không được phép ra ngoài trừ phi có việc rất cần thiết.
Ông Conte chia sẻ trên mạng xã hội Facebook: “Tôi mong tôi có thể nói: hãy mở lại mọi thứ. Ngay lập tức. Chúng ta sẽ bắt đầu từ sáng mai... Nhưng quyết định như vậy là thiếu trách nhiệm. Nó sẽ làm cho đường cong lây nhiễm đi lên một cách mất kiểm soát và hủy hoại mọi nỗ lực của chúng ta trong thời gian qua”. Ông Conte cho rằng, Italy phải dựa trên cơ sở một kế hoạch quốc gia để nối lại các hoạt động bị đình trệ do đại dịch. Theo Thủ tướng Italy, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ diễn ra dựa trên một nghiên cứu kỹ lưỡng và dữ liệu khoa học, và việc này không phải để “làm vừa lòng một phần dư luận hoặc để đáp ứng lời đề nghị của một số lĩnh vực sản xuất, công ty riêng lẻ hoặc các vùng đặc trưng”.
Kế hoạch dần mở cửa trở lại sẽ không chỉ bảo đảm các công ty sẽ tuân thủ những biện pháp an toàn cần thiết tại công sở mà còn cân nhắc số người lao động sẽ trở lại làm việc và tác động của việc này đối với hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là trong những lúc cao điểm.
Từ cuối tuần vừa qua, Italy đã ghi nhận đà giảm số ca bệnh và tử vong do COVID-19. Tính đến nay, nước này đã có 181.228 ca nhiễm, trong đó 24.114 người đã tử vong.
Cùng ngày, Đan Mạch cũng thông báo kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội. Kênh truyền hình TV2 của Đan Mạch dẫn lời Bộ Y tế nước này cho biết, Đan Mạch sẽ cho phép tối đa 500 người được gặp gỡ tại nơi công cộng từ ngày 10-5. Giới hạn mới sẽ có hiệu lực đến ngày 1-9 tới. Trước đó, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Đan Mạch chỉ cho phép nhóm từ 10 người trở xuống tụ tập ở địa điểm công cộng.
Đan Mạch là quốc gia có số ca bệnh và tử vong thấp hơn nhiều so với các nước khác tại châu Âu. Trong thời gian qua, nước này đã ghi nhận 7.515 ca bệnh và 364 ca tử vong.
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 20-4 tại Geneva, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa nhấn mạnh, nới lỏng các biện pháp hạn chế không phải là sự kết thúc dịch bệnh tại bất cứ quốc gia nào. Để dịch bệnh chấm dứt, các cá nhân, cộng đồng và chính phủ cần bền bỉ nỗ lực để tiếp tục khống chế loại virus gây chết người. Các biện pháp được gọi là phong tỏa có thể giúp dịch bệnh hạ nhiệt nhưng không thể chấm dứt dịch bệnh. Do đó, WHO hối thúc các nước phải bảo đảm năng lực phát hiện, làm xét nghiệm, cách ly, chăm sóc mọi ca bệnh COVID-19 và truy tìm những người đã tiếp xúc với người bệnh.
Phát biểu ý kiến cuộc họp báo trực tuyến ngày 21-4, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, ông Takeshi Kasai nhận định, những biện pháp phong tỏa đã cho thấy tính hiệu quả và người dân phải sẵn sàng thích nghi với lối sống mới để xã hội tiếp tục hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 đang được kiểm soát. WHO cảnh báo việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa phải được thực hiện dần dần và nếu những biện pháp hạn chế được nới lỏng quá sớm thì sẽ dẫn tới nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.