Ngày 21/4, Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) tại Myanmar cho biết, một chiếc xe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang chở các mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm virus SARSCoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 thì bị tấn công, khiến tài xế thiệt mạng tại bang Rakhine, phía Tây Myanmar.
Thông báo nêu rõ: “LHQ vô cùng đau buồn khi xác nhận anh Pyae Sone Win Maung đã qua đời sau khi bị thương trong một sự cố an ninh tại thị trấn Minbya, bang Rakhine vào tối ngày 20/4/2020”.
Tài xế của WHO bị tấn công khi đang lái chiếc xe có biểu tượng của LHQ từ thành phố Sittwe đến thành phố Yangon để vận chuyển các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 cho Bộ Y tế và Thể thao”, thông báo cho hay, nhấn mạnh thông tin thêm về cái chết của tài xế hiện đang được điều tra làm rõ.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khiến tài xế thiệt mạng và một quan chức chính phủ Myanmar bị thương. Ông bày tỏ lời chia buồn tới gia quyến người quá cố và chúc người bị thương mau chóng bình phục. Ông kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ và minh bạch về vụ việc và đưa thủ phạm ra pháp luật.
Vụ tấn công xảy ra sau khi các chuyên gia về nhân quyền của LHQ lên tiếng thể hiện sự lo ngại về việc giết hại và di dời dân thường tại phía Tây Bắc Myanmar trong một cuộc đụng độ giữa lực lượng quân đội Myanmar và nhóm phiến quân Arakan.
Giao tranh giữa lực lượng quân đội Myanmar và phiến quân Arakan xảy ra từ tháng 10/2016 tại bang Rakhine và đang ngày càng dữ dội hơn trong thời gian gần đây. Phiến quân Arakan đòi quyền tự trị nhiều hơn cho bang ở miền Tây nước này. Theo Reuters, chiếc xe đã bị nã súng khi đang di chuyển. Hiện chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 21/4, WHO đưa ra thông báo, xác nhận anh Pyae Sone Win Maung, 28 tuổi đã tử vong do vết thương trong vụ tấn công. Thông cáo nêu rõ: “Tổ chức Y tế Thế giới rất đau buồn trước cái chết của nhân viên y tế trong một sự cố an ninh tại Rakhine, Myanmar”.
Giám đốc của WHO tại khu vực Đông Nam Á, bà Poonam Khetrapal Singh đã lên án “mọi hành vi bạo lực về thể xác, lời nói hay tinh thần đối với nhân viên y tế”.
"Vụ việc một lần nữa cho thấy những khó khăn cùng cực mà các chiến binh chống virus Corona, gồm bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác đang phải đối mặt, đặc biệt khi họ phải làm việc trong những khu vực không đảm bảo an ninh và khó tiếp cận trong khi vẫn cố hết sức mình để cứu người", bà Poonam Khetrapal Singh chia sẻ./.