Thế giới vượt ngưỡng 3 triệu ca nhiễm COVID-19

08:38, 28/04/2020

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng ngày 28/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận đã có 3.060.189 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 211.235 ca tử vong và 919.812 ca phục hồi.  

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất trên thế giới. Tính đến nay, Mỹ đã có hơn 1 triệu ca lây nhiễm, trong đó 56.777 ca tử vong và 137.805 ca phục hồi. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 229.422 trường hợp mắc bệnh và 23.521 trường hợp tử vong. Italy có 199.414 ca mắc và 26.977 ca tử vong. Ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới là Pháp với 165.842 ca nhiễm và 23.293 ca tử vong. Đức có 158.434 ca nhiễm và 6.061 ca tử vong….

Châu Âu ghi nhận đã có tổng cộng 1.300.897 ca nhiễm COVID-19, trong đó 123.932 ca tử vong. Số ca mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ là 24.089 trường hợp và 2.047 ca tử vong vì dịch bệnh. Châu lục này cũng ghi nhận đã có 446.423 ca phục hồi.

Nhìn chung, tình hình dịch ở châu Âu đang có xu hướng lắng dịu khi số ca tử vong giảm xuống ở một số quốc gia vốn được coi là tâm dịch của "Lục địa già. Tại Anh, số ca tử vong mới trong ngày cũng đang có dấu hiệu giảm dần. Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận có 360 ca tử vong, mức tăng thấp nhất trong ngày kể từ cuối tháng 3. Tính đến nay, Anh ghi nhận đã có 157.149 ca lây nhiễm và 21.092 ca tử vong vì dịch bệnh.

Châu Á ghi nhận có 483.053 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong 17.575 ca tử vong và 236.485 ca phục. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ, Iran va Trung Quốc là tâm dịch của châu Á. Iran cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi số ca tử vong tăng theo ngày giảm xuống mức thấp nhất trong vòng vài tuần qua. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có 60 ca tử vong vì COVID-19, giảm so với mức trung bình khoảng 90 người/ngày.

Tại châu Phi, tổng số ca lây nhiễm vì COVID-19 tính đến nay là 33.839 ca và 1.464 ca tử vong. Vào tuần trước, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng: “Dịch bệnh mới chỉ bắt đầu tại châu Phi”. Châu lục này cũng ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 tăng đột biến chỉ trong vòng 10 ngày.

WHO đã đưa ra cảnh báo, châu lục này sẽ có khoảng 10 triệu người nhiễm COVID-19 trong khoảng từ 3 đến 6 tháng tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ tử vong tại châu Phi có thể sẽ thấp hơn nếu chính quyền các quốc gia tại châu lục nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.

Một số nước Châu Âu dần nới lỏng các biện pháp hạn chế

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sẽ đệ trình một chiến lược quốc gia về chấm dứt lệnh phong tỏa lên Quốc hội vào ngày 28/3.

Một số nước châu Âu vừa thông báo sẽ từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 sau khi ghi nhận tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu hạ nhiệt tại “lục địa già”. Hiện Pháp, Italy và Tây Ban Nha đang chuẩn bị nới lỏng các biện pháp hạn chế. Các quốc gia này ghi nhận số ca lây nhiễm đã bắt đầu giảm từ việc áp đặt lệnh hạn chế và phong tỏa.

Italy, quốc gia đầu tiên tại châu Âu quyết định áp đặt lệnh phong tỏa kể từ tháng 3, tính đến nay đã ghi nhận đã có gần 27.000 ca tử vong vì COVID-19. Số ca tử vong vì COVID-19 của Italy hiện đứng đầu châu Âu và đứng thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, trong cả tuần qua, số ca nhiễm mới tại Italy giảm mạnh, với tỷ lệ tăng ghi nhận hằng ngày ở mức thấp từ 0,2-0,7%, đủ để nước này từng bước đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường. Lệnh phong tỏa được coi là công cụ hữu hiệu trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh cho tới khi vắc xin phòng ngừa được phát triển.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, kể từ ngày 4/5 tới, các công ty sản xuất, xây dựng và hoạt động trong lĩnh vực bán buôn có thể bắt đầu làm việc trở lại. Tiếp theo sau là việc nối lại hoạt động của các hãng bán lẻ, bảo tàng, các phòng trưng bày và thư viện sẽ được thực hiện từ ngày 18/5 tới. Còn hoạt động của các quán bar, khách sạn, tiệm cắt tóc và dịch vụ làm đẹp sẽ được nối lại từ ngày 1/6. Bên cạnh đó, Thủ tướng Giuseppe Conte cũng cho biết sẽ không mở cửa trở lại trường học trước tháng 9.

Tình hình dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha tiếp tục có những diễn biến tích cực khi Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 27/4 thông báo đã có hơn 100.000 người bình phục.  Giới chức nước này cũng đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế khi ghi nhận số ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua dưới 300 người, mức tăng thấp nhất trong nhiều tuần qua. Theo đó, các nhà máy và công ty tại nước này đã bắt đầu được phép mở cửa trở lại.

Pháp hiện đang áp đặt các biện pháp phong tỏa bắt buộc trong nhiều tuần. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết sẽ đệ trình một chiến lược quốc gia về việc chấm dứt lệnh phong tỏa lên Quốc hội vào ngày 28/3. Chính quyền Paris đã nêu rõ 17 ưu tiên khi chấm dứt lệnh phong tỏa tại quốc gia này, bao gồm việc mở cửa trở lại trường học, các công ty và giao thông công cộng được phép hoạt động bình thường, sự cung ứng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn, chính sách xét nghiệm và hỗ trợ cho người cao tuổi.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cũng dự kiến sẽ thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa trong tuần này sau khi ông trở lại làm việc sau thời gian điều trị bệnh COVID-19 kéo dài gần một tháng qua. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời cảnh báo rằng việc này đỏi hỏi những quyết định đầy khó khăn. Ông Johnson đã quay trở lại làm việc vào ngày 27/4 sau 1 tuần nằm viện và 2 tuần phục hồi tại nhà.

Theo Giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia, ông Stephen Powis số ca mắc COVID19 tại Anh đang có chiều hướng giảm rõ rệt, cho thấy biện pháp "giãn cách xã hội" đang phát huy hiệu quả. Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết chính phủ sẽ tham vấn giới chức y tế và khoa học trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ông nhấn mạnh sẽ không gỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp hạn chế, mà sẽ tiến hành từng bước để đưa các hoạt động xã hội về trạng thái "bình thường mới".

Na Uy, nước thông báo đã kiểm soát được dịch COVID-19 cũng bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn áp đặt từ ngày 12/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ngày 27/4, Na Uy đã mở lại các trường tiểu học trong nỗ lực nhằm hướng tới đưa nhịp sống dần trở lại bình thường cho dù một số bậc phụ huynh tiếp tục bày tỏ lo ngại khi cho con đi học trở lại. Như vậy, các học sinh từ 6 - 10 tuổi đã bắt đầu quay trở lại trường học sau 6 tuần học trực tuyến ở nhà. Tuy nhiên, mỗi lớp chỉ được phép có số học sinh tối đa là 15 em.  Một tuần trước đó, các trường mầm non, mẫu giáo ở Na Uy cũng đã mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Âu khác như Bỉ, Hy Lạp và Malta cũng đã tuyên bố dần nới lỏng các biện pháp hạn chế./.