Người đứng đầu Tổ chức Y tế tại khu vực châu Âu ngày 23/04 lên tiếng cảnh báo châu lục đang chứng kiến một bi kịch nhân đạo không thể tưởng tượng nổi trong các nhà dưỡng lão, khi số người chết tại đây chiếm gần một nửa tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại một số nước châu Âu.
Lời cảnh báo được ông Hans Kluge, Giám đốc của Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới –WHO tại khu vực châu Âu, đưa ra trong buổi họp báo chiều 23/04 tại trụ sở của Văn phòng ở Copenhagen – Đan Mạch.
Theo ông Kluge, tại một số nước châu Âu, số người thiệt mạng vì COVID-19 trong các nhà dưỡng lão chiếm đến một nửa trong tổng số ca tử vong và đó là một “bi kịch nhân đạo không thể tưởng tượng nổi”.
Tại CH Ireland, con số thống kê tính đến ngày 13/04 cho thấy, 55,2% số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này là trong các nhà dưỡng lão.
Tại Pháp, tính đến ngày 15/04, con số này là gần 50%. Chính phủ Pháp mới đây cũng đã phải mở các cuộc điều tra về bi kịch xảy ra ở một số trung tâm chăm sóc người cao tuổi phụ thuộc (Ehpad) của nước này, đặc biệt trong vùng Ile-de France quanh thủ đô Paris khi các thống kê ban đầu cho thấy hầu như tất cả 700 nhà dưỡng lão trong vùng đều đã bị COVID-19 tấn công.
Tại Anh, mặc dù cơ quan y tế nước này chưa thống kê số ca tử vong vì COVID-19 tại các trung tâm dưỡng lão và tại nhà riêng nhưng theo tính toán của Care England, tổ chức chăm sóc người già lớn nhất nước này, đã có ít nhất 7500 người già tại Anh đã thiệt mạng trong các nhà dưỡng lão, tức chiếm khoảng 40% tổng số nạn nhân COVID-19 tại Anh.
Tại các nước Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, con số này được ước tính từ 33% đến 53%.
Để ngăn chặn bi kịch này, WHO kêu gọi các nước châu Âu phải khẩn cấp thay đổi cách thức hoạt động của các nhà dưỡng lão, đồng thời trang bị đầy đủ đồ bảo hộ y tế cho các nhân viên làm việc tại đây.
Về diễn biến dịch COVID-19 tại châu Âu, người đứng đầu Văn phòng châu Âu của WHO cũng nhắc lại cảnh báo, rằng châu lục này sẽ đối mặt với nguy cơ lớn nếu sớm gỡ bỏ các biện pháp hạn chế:
“Thông điệp của tôi vẫn là phải hết sức cảnh giác. Sự tự mãn là kẻ thù lớn nhất của chúng ta lúc này. Chúng ta không thể tự cho phép mình tin rằng đã được bảo vệ và an toàn. Bất cứ bước đi nào để nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội cần phải được xem xét một cách thận trọng và thực thi từng bước một”./.