Căng thẳng Trung Quốc-Canada quanh vụ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu

14:24, 28/05/2020

Hơn 540 ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) bị Canada bắt giữ theo đề nghị của Mỹ, Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia của Canada hôm 27/5 đã ra phán quyết rằng, hành vi “lừa gạt ngân hàng” mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu cũng là hành vi vi phạm pháp luật tại Canada.

 

Động thái này được nhận định sẽ đẩy mối quan hệ giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Trong các phiên tranh tụng, đội ngũ luật sư bảo vệ bà Mạnh Vãn Châu biện hộ rằng, hành vi phạm tội mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu nói dối các tổ chức tài chính để “lách” lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran là không vi phạm pháp luật Canada, vì nước này đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, các công tố viên của Canada đã bảo vệ đề nghị dẫn độ của phía Mỹ với lập luận rằng, cáo buộc “lừa gạt ngân hàng”, hành vi vi phạm pháp luật tại cả Canada và Mỹ, mới là lý do chính của việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu. Theo ông Heather Holmes, Phó Chánh án Tòa án Tối cao British Columbia, phán quyết đáp ứng luật dẫn độ của Canada được gọi là tội phạm kép, tức tội phạm thực hiện ở Mỹ cũng sẽ là một tội ác ở Canada.

Giới quan sát cho rằng bà Mạnh Vãn Châu, 48 tuổi, sẽ phải đối mặt với một “cuộc chiến” cam go. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Canada, trong số 798 đề nghị dẫn độ của Mỹ mà Canada nhận được từ năm 2008, Canada mới chỉ từ chối dẫn độ 8 trường hợp, tương đương 1%.

Phán quyết đánh dấu một chiến thắng sớm cho chính quyền Mỹ nhưng đã làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Canada và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi trường hợp này là một sự cố chính trị nghiêm trọng và kêu gọi Canada hãy để bà Mạnh Vãn Châu trở về Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Trung Quốc luôn nhất quán và rõ ràng trong quan điểm về vụ việc của bà Mạnh Vãn Châu. Mỹ và Canada đã lạm dụng hiệp ước dẫn độ song phương và tùy ý áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với một công dân Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc. Đây là một sự cố chính trị nghiêm trọng. Chính phủ Trung Quốc kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. "

Trong khi đó, Mỹ hoan nghênh quyết định của Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia. Mỹ  cảm ơn Chính phủ Canada vì đã tiếp tục hỗ trợ theo Hiệp ước dẫn độ Mỹ/Canada trong vụ việc này.

Dự kiến, phiên tòa xem xét dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu về Mỹ sẽ được mở lại vào tháng 6 tới. Tại phiên tòa này, phía bà Mạnh Vãn Châu sẽ tranh luận về việc các quyền của bà, liệu có bị vi phạm khi bà bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver ngày 1/12/2018 hay không. Các phiên tranh tụng dự kiến kéo dài tới hết năm nay và việc kháng cáo có thể sẽ mất thêm nhiều năm nữa./.