Theo trang thống kê toàn cầu worldmeters.info, tính đến 7h30' sáng 11/5, tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 4.178.158 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 283.734 ca tử vong. Số ca phục hồi đang là 1.490.456 người.
Mỹ vẫn là tâm dịch với tổng cộng 1.367.638 ca nhiễm và 80.787 ca tử vong. Dịch bệnh khiến Mỹ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao nhất trong lịch sử, với 20,5 triệu người riêng trong tháng 4.
Liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, bang New York, nơi được cho là nguồn lây nhiễm chính khiến đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ, ngày 10/5 công bố các biện pháp mới bảo vệ những người cao tuổi đang sống trong các nhà dưỡng lão. Đây là nhóm người dễ lây nhiễm và chiếm đa số trong khoảng 80.000 ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo yêu cầu toàn bộ nhân viên tại các nhà dưỡng lão xét nghiệm COVID-19 ít nhất 2 lần/tuần, đồng thời cấm các bệnh viện chuyển bất kỳ bệnh nhân mắc COVID-19 nào đến nhà dưỡng lão cho đến khi người đó âm tính với virus.
Dịch COVID-19 đã bước vào giai đoạn đỉnh dịch tại Mexico và dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 3 tuần. Ngày 10/5, Bộ Y tế nước này thông báo đã ghi nhận 1.562 ca nhiễm mới và 112 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 35.022 ca, trong đó có 3.465 ca tử vong. Cơ quan y tế cảnh báo số ca bệnh và ca tử vong sẽ tăng mạnh trong những ngày tới, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng bệnh, tránh ra đường khi không cần thiết và không đến các vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu tiếp tục giảm bớt. Tính đến tối 10/5, số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp là 26.380 người, tăng 70 ca trong 24 giờ. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại Pháp kể từ khi nước này bắt đầu các biện pháp phong tỏa hôm 17/3.
Thống kê cho thấy, Pháp hiện có 22.569 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 45 ca so với một ngày trước), trong đó 2.776 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 36 ca). Như vậy, sức ép đối với khoa hồi sức tích cực tại các bệnh viện tiếp tục đà giảm từ hơn một tháng nay.
Từ ngày 11/5, mọi người sẽ được ra đường lần đầu tiên trong gần 8 tuần, giáo viên sẽ bắt đầu trở lại trường và một số cửa hiệu, trong đó có tiệm cắt tóc, sẽ được mở lại. Tuy nhiên, các quán bar, nhà hàng, rạp hát và rạp chiếu phim sẽ vẫn phải đóng cửa.
Italy ghi nhận 165 ca tử vong mới trong ngày 10/5, mức thấp nhất trong một ngày kể từ hôm 9/3. Ngày 10/5 cũng là ngày đầu tiên kể từ đầu tháng 3, số ca nhiễm mới ở mức dưới 1.000 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện là 30.560 ca. Ngày 11/5, Italy cũng bắt đầu dỡ bỏ từng phần các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã áp dụng từ đầu tháng 3 nhằm kiềm chế dịch lây lan.
Trong khi đó, tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết còn quá sớm để đưa ra động thái tương tự. Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo lệnh phong tỏa tại nước này do dịch COVID-19 sẽ được kéo dài đến ít nhất là ngày 1/6 dù ông công bố các kế hoạch dỡ bỏ một cách thận trọng các hạn chế đi lại. Theo đó, một số trường tiểu học có thể đón học sinh và một số cửa hàng có thể mở cửa trở lại từ ngày 1/6. Một số địa điểm công cộng có thể mở cửa lại từ 1/7.
Với hơn 31.850 ca tử vong, Anh là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu Âu và cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Tại Nga, tính tới trưa 10/5 (theo giờ địa phương), nước này đã ghi nhận thêm 11.012 ca nhiễm mới tại 83 chủ thể liên bang, đưa tổng số ca lên 209.688 người.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của LB Nga, có tới 42,4% trong tổng số ca nhiễm mới ở Nga không có các biểu hiện lâm sàng. Thủ đô Moscow vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất với 5.551 ca, đưa tổng số ca tại thủ đô của nước Nga lên 109.740 ca.
Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 10/5 ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến trở lại với 34 ca sau khi xuất hiện ổ lây nhiễm mới ở Itaewon.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 10/5, chỉ sau gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội 4 ngày, với 34 ca mới được phát hiện, số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên thành 10.874 ca. Trước nguy cơ bùng phát ổ dịch mới ở thủ đô Seoul, ngày 9/5, Thị trưởng thành phố này Park Won-soon đã ban hành mệnh lệnh hành chính yêu cầu các quán bar, vũ trường, hộp đêm trên toàn thành phố phải tạm thời dừng mọi hoạt động. Đây là biện pháp tình huống mà thành phố Seoul phải thực hiện sau khi xuất hiện hàng chục người dương tính với virus SARS-CoV-2 do đã tiếp xúc gần với một bệnh nhân nam 29 tuổi được xác nhận dương tính vào ngày 5/5 vừa qua. Ước tính, có khoảng hơn 1.500 người thuộc diện F1 do đã có tiếp xúc gần với thanh niên này. Điều đáng chú ý là cơ quan y tế Hàn Quốc chưa xác định được nguồn lây nhiễm đối với bệnh nhân 29 tuổi này do không có tiền sử đi du lịch nước ngoài và cũng chưa được xác nhận có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 nào hay không.
Theo báo cáo sơ bộ của quận Yongsan (nơi có khu phố Tây sầm uất Itaewon), ước tính có khoảng 7.200 người đã ghé thăm 5 câu lạc bộ và quán bar (nơi bệnh nhân nam 29 tuổi có mặt) trong thời gian từ ngày 30/4 đến 5/5 vừa qua. Hiện giới chức y tế Hàn Quốc đang kêu gọi những người đã từng ghé các địa điểm trên cần đi xét nghiệm và tự cách ly ở nhà để tránh lây nhiễm tiếp ra cộng đồng.