Thế giới có hơn 7,1 triệu ca mắc, hơn 408 nghìn ca tử vong vì COVID-19

08:40, 09/06/2020

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 9-6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 7.183.906 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 408.028 ca tử vong và 3.506.717 ca phục hồi.

 New Zealand tuyên bố đã chiến thắng đại dịch COVID-19 và sẽ dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế kể từ ngày 9/6. (Ảnh: AP)
Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận có thêm 101.308 ca nhiễm mới và 42.945 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 2.025.440 ca nhiễm COVID-19, trong đó 113.049 ca tử vong vì dịch bệnh. Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Ấn Độ… lần lượt là các quốc gia xếp sau Mỹ về số ca lây nhiễm.

Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiện, số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 2,1 triệu người, với gần 180.000 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 14.468 ca nhiễm mới và 417 ca tử vong vì COVID-19.

Nga, Tây Ban Nha và Anh là 3 nước dẫn đầu bảng danh sách các nước bị tác động bởi dịch bệnh tại châu Âu, lần lượt với 476.658; 288.797; 287.399 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại.  Hiện Anh là quốc gia đứng đầu châu lục và thứ 2 thế giới về số ca tử vong do dịch COVID-19, với 40.597 trường hợp.

Tại châu Á, đã có tổng cộng 1.392.482 ca nhiễm và 35.639 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 31.253 ca mắc mới và 614 trường hợp tử vong.  Riêng tại châu Á, có 842.914 ca được điều trị khỏi; 513.929 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 14.953 ca bệnh nặng.

Ấn Độ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 8/6, nước này ghi nhận thêm 8.442 trường hợp mắc COVID-19 và 266 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính tới nay, quốc gia Nam Á này ghi nhận tổng cộng 265.928 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 7.473 người tử vong. Ấn Độ hiện là quốc gia có số ca nhiễm bệnh nhiều thứ 6 trên thế giới. Iran, Thổ Nhỹ Kỳ, Ả rập Xê út, Pakistan… lần lượt là các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục.

Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 8/6, khu vực này ghi nhận có tổng cộng 105.136 ca mắc COVID-19, trong đó 3.152 ca tử vong. Trong 24 giờ qua ASEAN ghi nhận 1.830 ca mắc COVID-19. Hiện, Singapore là nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất ASEAN, với 38.296 ca nhiễm do dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại các khu nhà ở cho người lao động nhập cư. Tuy nhiên, nước này đang chứng kiến số ca nhiễm mới đang trên đà giảm. Chính phủ Singapore đang thúc đẩy kế hoạch nới lỏng dần các biện pháp hạn chế, trong đó vẫn yêu cầu nhiều người  tiếp tục làm việc ở nhà và chỉ giao tiếp với người thân trong gia đình. Hồi tuần trước, Singapore đã mở cửa trở lại trường học và một số hoạt động kinh doanh sau gần 2 tháng áp đặt lệnh phong tỏa.

Indonesia và Philippines hiện là 2 quốc gia trong khu vực có số ca mắc mới tiếp tục tăng ở mức cao. Trong ngày 8/6, Indonesia ghi nhận thêm 847 ca mắc mới, trong đó số ca mắc mới tại Philippines trong ngày là 579 ca. Các quốc gia còn lại trong khu vực là Campuchia, Lào, Brunei, Myanmar và Timor-Leste không ghi nhận ca mắc mới nào.

Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 9/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến nay, đã 54 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. 

Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 23.374 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 2.301.854 ca, tổng số người tử vong là 136.374. Số ca phục hồi ở khu vực này là 941.307, trong khi đó 1.234.137 ca đang được điều trị tích cực và 19.423 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ hai lại khu vực này, với 117.103 ca nhiễm, 13.699 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 96.244 ca nhiễm và 7.835 ca tử vong vì COVID-19.

Ngày 8-6, Cuba tuyên bố đã kiểm soát được đại dịch, theo đó nước này không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong hơn 1 tuần qua. Kết quả này có được là do Cuba đã triển khai quyết liệt và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa, giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, đội ngũ y, bác sĩ, cùng các nhà khoa học Cuba đã có những nghiên cứu kịp thời giúp giảm tỷ lệ tử vong. Tính đến nay, nước này ghi nhận có tổng cộng 2.200 ca mắc và 83 ca tử vong vì COVID-19.

Khu vực  Nam Mỹ có tổng số 1.171.879 ca nhiễm,  51.126 ca tử vong, 536.431ca phục hồi. Sau Brazil, Peru là quốc gia đứng thứ hai khu vực về số ca nhiễm, với 199.696 ca, số ca tử vong là 5.571 ca. Tiếp đến là Chile với 138.846 ca nhiễm và 2.264 ca tử vong vì COVID-19.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 198.917 ca mắc COVID-19, trong đó 5.390 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 50.879 trường hợp, trong đó 1.080 ca tử vong. Ai Cập là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục với 1.271 ca. Nước này cũng ghi nhận có 35.444 ca nhiễm COVID-19, xếp vị trí thứ 2 sau Nam Phi.

Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, chỉ có Australia là quốc gia ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, quốc gia này cũng đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 8 trường hợp mắc mới và không có thêm trường hợp tử vong nào vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 7.265 ca, trong đó số ca tử vong là 102 trường hợp.

New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.504 ca, trong đó 22 trường hợp tử vong. Ngày 8/6, New Zealand đã tuyên bố chiến thắng đại dịch COVID-19. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố sẽ dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế kể từ ngày 9/6, nhưng vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát tại biên giới. Các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ sau khi bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của New Zealand xuất viện./.