Trong suốt một tuần, từ 25/6 đến ngày 1/7, tại Nga đã và đang diễn ra cuộc bỏ phiếu toàn quốc về các sửa đổi Hiến pháp.
Công việc này đang được các quan sát viên trong nước và quốc tế theo dõi chặt chẽ để đảm bảo tính hợp pháp. Trên khắp nước Nga đã mở gần 100 nghìn điểm bỏ phiếu để người dân đi bỏ phiếu về các sửa đổi Hiến pháp. Riêng tại thủ đô Moscow có gần 3,5 nghìn điểm bỏ phiếu, mở cửa từ 8h đến 20h. Có khoảng 510 nghìn quan sát viên trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc về sửa đổi Hiến pháp.
Theo phó chủ tịch Uỷ ban của Hội đồng Liên bang Nga về vấn đề quốc tế Andrei Klimov, thì có vài chục chuyên gia từ châu Âu, châu Á và châu Phi đến Nga quan sát việc bỏ phiếu. Theo lời ông, tất cả các chuyên gia đều thạo tiếng Nga và nghiên cứu kinh nghiệm tiến hành bỏ phiếu của Nga trong điều kiện đại dịch. Các chuyên gia nước ngoài quan tâm đến chiến dịch giải thích về các sửa đổi trong Luật cơ bản của đất nước đang diễn ra và việc tổ chức bỏ phiếu điện tử như thế nào, tính bảo mật có được tuân thủ hay không. Theo lời ông, các chuyên gia có thể đến các điểm bỏ phiếu.
Trong số các chuyên gia nước ngoài có cả các nhà hoạt động xã hội và các nghị sỹ. Đại biểu của thành phố Bundestag-Đức Stephan Koiter nhận xét rằng, trình độ tổ chức ở Nga thậm chí cao hơn ở Đức. Ở Nga có camera ở khắp nơi, còn ở Đức thì không. Và đối với Nga, việc có mặt của các đại diện đối lập trong vai trò quan sát viên là bình thường.
Đại biểu Quốc hội Italia Paolo Grymondy cũng đưa ra ý kiến rằng, công tác tổ chức ở Nga rất tốt. Đặc biệt, phải tính đến rằng, việc bỏ phiếu đang được tiến hành trong thời điểm đặc biệt-đại dịch COVID-19. Và tất cả việc tổ chức đều ở mức rất cao.
Việc bỏ phiếu toàn Nga về các sửa đổi Hiến pháp còn được các phương tiện truyền thông nước ngoài và các nguồn lực đối lập trong nước theo dõi. Chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho rằng, sự chú ý như vậy không phải là ngẫu nhiên: “Nga đã trở nên mạnh mẽ hơn, được tôn trọng và có ảnh hưởng hơn vì không ai quan tâm đến một quốc gia yếu - Hiến pháp của nước đó là gì, các quy định như thế nào. Nếu điều này diễn ra vào những năm 90, thì không ai quan tâm đến tất cả những gì chúng tôi đang lên kế hoạch ở đây và những sửa đổi nào sẽ được đưa ra để bỏ phiếu. Và những thay đổi này không chỉ cần được củng cố, mà tất cả mọi thứ phải được thực hiện để đất nước có cơ hội phát triển”
Tại thủ đô Moscow, thị trưởng thành phố Sergei Sobyanin cho biết về khối lượng công việc lớn đối với các quan sát viên: “20 nghìn quan sát viên đã đưa ra sáng kiến, đăng ký, trải qua đào tạo và hôm nay đội quân này đang quan sát tiến trình bỏ phiếu và đảm bảo tính hợp pháp của nó. Tất nhiên, có một khối lượng công việc lớn trút vào họ, nói chung điều này không so sánh được với các cuộc bỏ phiếu trước đó”
Tính đến 20h, ngày 30/6, việc bỏ phiếu điện tử từ xa của người dân Moscow và tỉnh Nyzni Novgorod đã kết thúc. Kết quả bỏ phiếu đạt hơn 93%, đã có hơn 1,1 triệu phiếu được nộp.
Còn theo chủ tịch Uỷ ban bầu cử Trung ương Nga Ella Pamphilova, tính đến chiều 29/6, đã có gần 50 triệu công dân đi bỏ phiếu, đạt gần 46% cử tri đăng ký.
Việc bỏ phiếu cho các sửa đổi Hiến pháp ở khắp nơi trên cả nước Nga sẽ kết thúc vào 20h tối 1/7, theo giờ địa phương.
Sau khi việc bỏ phiếu toàn quốc được hoàn tất, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga trong vòng 5 ngày sẽ xác định kết quả bỏ phiếu và công bố kết quả sau 3 ngày. Nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ, các sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố.
Các sửa đổi được đưa vào Hiến pháp Nga lần này sẽ áp dụng với Tổng thống, các thành viên của chính phủ và các quan chức chính phủ ở nhiều cấp độ, tăng cường các bảo đảm xã hội của nhà nước cho công dân, tăng quyền của Quốc hội, đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ Liên bang Nga, thiết lập vị thế của tiếng Nga. Đồng thời, các sửa đổi cho phép Tổng thống đương nhiệm tái tranh cử vào năm 2024. Ngoài ra, trong Luật cơ bản đề xuất đưa vào các sửa đổi cấm các quan chức cấp cao có giấy phép cư trú và quốc tịch của nước khác. Ưu tiên Hiến pháp Nga trên các hiệp ước quốc tế./.